Dưới đây là bài phát biểu của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp của Giáo phận Vinh trong cuộc họp báo ngày 4/8/2017 tại Quốc hội Đài Loan về thảm họa môi trường do Công ty Thép Formosa gây ra.
Xin chân thành cảm ơn Quý vị và Các bạn, đã từng quan tâm đến vấn để thảm hoạ môi trường ở Formosa Hà Tĩnh và hôm nay đến đây để tham dự cuộc trao đổi, cuộc họp báo này. Tôi xin giới thiệu tôi là Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, thuộc Giáo phận Vinh, nơi mà xảy ra thảm hoạ môi trường Formosa, đồng thời là đại diện cho Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển.
Tôi hiện diện ở đây với một tâm tình rất là phức tạp và có thể nói là đối nghịch, một đàng tôi rất vui được gặp gỡ Quý bạn, Quý vị là những người làm truyền thông để giúp hai dân tộc chúng ta hiểu nhau hơn, đàng khác tôi hiện diện ở đây với nỗi buồn, vì đáng lẽ ra công việc này các nhà cầm quyền Việt Nam phải làm, chứ không phải là vấn đề của tôi. Chúng tôi không được huấn luyện, đào tạo để làm công tác này, nhưng vì thảm hoạ môi trường và vì cuộc sống của người dân, của các nạn nhân tôi phải hiện diện ở đây.
Sau gần một năm rưỡi biến cố đã xảy ra, hôm nay tôi xin tường trình với quý vị về thảm trạng Formosa Hà Tĩnh với mấy điểm chính sau đây:
- Thứ nhất, sau hơn một năm dân chúng chúng tôi chưa nhận được những báo cáo khách quan của nhà nước về nguyên nhân, diễn tiến và hậu quả của thảm hoạ môi trường Formosa tại Hà Tĩnh.
- Điểm thứ hai, nhà cầm quyền Việt Nam đã cấu kết với Formosa Hà Tĩnh để xác định số tiền bồi thường là 500 triệu đô la mà không tham khảo ý kiến của các nạn nhân, cũng chưa nghiên cứu là người dân bị thiệt hại bao nhiêu và dĩ nhiên không có một phán quyết nào của Toà án. Ngoài ra cũng cần phải nói, vấn đề phân phối số tiền bồi thường đó cũng do nhà nước đơn phương xác định qua Nghị định, qua Chỉ thị của nhà nước. Cuối cùng, so với thiệt hại mà các nạn nhân đang gánh chịu thì số tiền bồi thường đó còn quá ít.
- Điểm thứ ba, nhà cầm quyền Việt Nam không những không cho phép các nạn nhân xử dụng quyền pháp lý của mình để khởi kiện công ty Formosa mà còn ra tay đàn áp, hăm doạ, đánh đập những cuộc tranh đấu ôn hoà của người Việt trên toàn quốc để ủng hộ các nạn nhân của thảm hoạ môi trường.
- Thứ bốn, cho đến nay nhà cầm quyền Việt Nam và công ty Formosa tại Hà Tĩnh chưa có bất kỳ một hành động nào để khôi phục môi trường biển, để làm sạch bờ biển Việt Nam và cũng như đánh giá chính xác về mức độ nguy hiểm, tác động của thảm hoạ này đối với sức khoẻ của người dân Việt Nam.
Chúng tôi rất vui khi biết bà Tổng Thống rất quan tâm đến việc phát triển của đất nước Đài Loan và có tầm nhìn xa khi đưa ra chính sách kinh tế Hướng Nam Mới. Tuy nhiên, với tư cách là những người dân ở các nước Đông Nam Á, chúng tôi rất tiếc là chính sách kinh tế Hướng Nam Mới mới chỉ để ý đến vấn đề tăng trưởng kinh tế của Đài Loan, mà chưa đặt nổi vấn đề tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á. Và điểm quan trọng hơn, đây chỉ là tăng trưởng kinh tế chứ chưa phải là một chương trình phát triển toàn diện kinh tế – xã hội – con người và môi sinh.
Chúng tôi ước mong rằng chính sách kinh tế phát triển Hướng Nam Mới đó cần được làm rõ, và được đặt nổi vấn đề môi trường cũng như nhân quyền, để chương trình phát triển đó làm thành chương trình phát triển toàn diện, và nhất là để bó buộc các công ty của Đài Loan phải tôn trọng và có trách nhiệm hơn với môi trường cũng như người dân nơi họ hoạt động.
Chúng tôi kêu gọi nhân dân Đài Loan, các tổ chức xã hội dân sự và tất cả những người thành tâm thiện chí mạnh mẽ kiến nghị chính phủ Đài Loan thực hiện chính sách kinh tế Hướng Nam Mới dựa trên định hướng phát triển toàn diện mà chúng tôi vừa nêu lên. Chính sách đó bó buộc các nhà đầu tư Đài Loan phải có trách nhiệm hơn với con người và với môi trường sinh thái. Và như vậy hy vọng không có những chuyện buồn, chuyện đáng tiếc do công ty đã làm tại Formosa Hà Tĩnh và chúng ta phải đau buồn hiện diện ở đây.
Cuối cùng, nhiều năm trước đây, trong con mắt dân chúng Việt Nam, Đài Loan được biết đến như một quốc gia độc lập, tự do ngôn luận, dân chủ, hoà bình và hiếu khách. Hôm qua chúng tôi được hân hạnh thăm Bảo tàng viện Dân chủ và được nhìn thấy những khó khăn, những trắc trở và cái quyết tâm của nhân dân Đài Loan trên bước đường xây dựng dân chủ, nhân quyền, cũng như bảo vệ môi sinh. Tôi nghĩ rằng nếu chính sách kinh tế Hướng Nam Mới coi trọng về vấn đề môi trường và nhân quyền, sẽ góp phần giúp nhân dân Việt Nam giữ được cái hình ảnh đẹp của người Đài Loan trước đây, ở các thế hệ trước. Và không rơi vào cái hoàn cảnh đáng tiếc là đồng hoá doanh nghiệp Đài Loan với doanh nghiệp Trung Quốc, đồng hoá người Đài Loan với người Trung Quốc, theo cái ý nghĩa tiêu cực, khi họ hiểu Trung Quốc hôm nay đang xây dựng chính sách Đại Hán mới, và tất cả những hàng hoá của Trung Quốc luôn luôn có vấn đề bởi các độc tố, bởi các yếu tố gây khó khăn cũng như gây thảm hoạ cho sức khoẻ cũng như môi trường. Từ đó, chắc chắn sẽ tránh được những hiểu lầm đáng tiếc như trường hợp dân Việt Nam xua đuổi các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam vào năm 2014, khi họ tranh đấu vì Trung Quốc đặt giàn khoan trên đất nước họ.
Chân thành cảm ơn Quý vị và Quý bạn về cuộc gặp gỡ quý hoá này. Chúng tôi rất vui nếu có dịp tái ngộ với nhau để thảo luận về những chương trình hợp tác tích cực khác, và không phải gặp gỡ nhau để nói những chuyện buồn về công bằng, về thảm hoạ môi trường như hôm nay. Xin chân thành cảm ơn.
Thuận Kiệt ghi từ video trực tiếp của linh mục Nguyễn Thanh Tịnh.