Ngày 10-12, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, qua khảo sát xét nghiệm lấy 130 mẫu cá trong các kho đông lạnh với tổng số hơn 3,200 tấn cá của các công ty thu mua cá của ngư dân, phát hiện có 30 mẫu có hàm lượng Cadimi (*) vượt mức cho phép, tương đương 606.4 tấn cá.
Sở Y tế Quảng Bình đã lấy 130 mẫu kiểm tra gồm: 86 mẫu cá, 31 mẫu mực, 4 mẫu tôm, 2 mẫu ghẹ, 5 mẫu cá khô, 1 mẫu tép khô, 1 mẫu chả cá tại 29 cơ sở đông lạnh hải sản trong tỉnh để phân tích các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng là Cadimi, Asen, Chì, thủy ngân, Phenol, Cyanua. Họ đã phát hiện 30/130 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Số hải sản này được thu mua từ tháng 4-2016 đến ngày 30-8-2016. Trong đó 2 mẫu mực, 2 mẫu ghẹ và 24 mẫu cá nhiễm Cadimi vượt giới hạn quy định; 2 mẫu cá nhiễm Cadimi vượt giới hạn và có chứa Phenol, Cyanua.
Theo thống kê, có tất cả 606.4 tấn hải sản có hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng, chiếm 1/5 số lượng hải sản đang tồn kho gồm các loại hải sản như: ghẹ xanh, ghẹ sao, cá ngừ trơn, ngừ bong, cá bống suôn, mực chan chu và một số loại cá nục.
Một phúc trình của tỉnh Quảng Bình đưa ra hôm chiều ngày 9-12, cho biết về cơ bản, giá trị thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh gây ra làm ảnh hưởng đến vùng biển của tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 30-11 là hơn 2,500 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng số tiền phê duyệt chi trả trong vụ việc này mới có hơn 423 tỷ đồng, trong đó đã thực chi trả là hơn 307 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Ngân, phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình nói rằng đến nay, còn rất nhiều người bị thiệt hại do Formosa gây ra, nhưng chưa có chính sách về bồi thường, như: chủ cơ sở chế biến, cơ sở nuôi trồng hải sản bị chết dưới 70%, các cơ sở lưu trú ven biển, định mức bồi thường cho tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên…
Vũ Minh Ngọc / SBTN
(*) Cadimi có tên khoa học là cadmium, ký hiệu là Cd, là một nguyên tố vô cơ. Cd được phân vào nhóm kim loại nặng, trong đó Cd cùng với chì, thủy ngân (cũng là kim loại nặng) là các độc chất vô cùng nguy hiểm đối với cơ thể con người.