Buôn bán con người qua hình thức lao động là 1 trong những tệ trạng mà Bộ Ngoại Giao của chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh báo, xếp hạng Đài Loan vào danh sách các quốc gia bị quan sát trong báo cáo được công bố vào trung tuần tháng bảy vừa qua. Đã có rất đông người Việt trở thành nạn nhân của việc buôn bán này. Mới đây nhất, anh Ngô Văn Mùi đã bị công ty môi giới Vilexim Việt Nam, địa chỉ 139 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, số điện thoại: 04-9721118, do bà Lê Minh Thu làm giám đốc lừa ký hợp đồng với công ty môi giới Hữu Hạn Quốc Tế Đông Phương Sư do ông Du Đăng Ba làm chủ. Địa chỉ công ty số 1/53 ngõ Tam Quang, khu Bắc Đồn, thành phố Đài Trung. Điện thoại: 04-2237-2600. Theo sự trình bày của anh Mùi, hợp đồng anh ký là qua Đài Loan làm trong 1 công xưởng sản xuất ốc vít. Ngoài ra anh còn được bà Lê Minh Thu hứa, ngoài giờ làm trong công xưởng, anh sẽ được làm việc thêm và được tính tiền tăng lương qua các việc làm phụ trôi như trồng cây cảnh hoặc ủi quần áo.
Anh Mùi nói: “Họ bắt tôi phải trả phí xuất cảnh qua môi giới Vilexim là $7,200 USD (bảy ngàn hai trăm Mỹ kim). Người mối lái để đến công ty môi giới là Nguyễn Bích Hảo ở số nhà 7, ngõ 260, nghách 260/8, đưòng Y Cao, Cầu Giấy. Điện Thoại: 04-337-546, dẫn tôi đến công ty Vilemex làm thủ tục đi lao động. Họ còn một chút nhân tính, nên đã bớt cho tôi $300USD. Như vậy tổng số tiền tôi phải trả để được qua Đài Loan là $6,900USD (sáu ngàn chín trăm Mỹ kim). Thế là ngày 14 tháng 7 năm 2006, tôi rời quê hương đến Đài Loan đi lao động kiếm sống".
Anh Mùi đã trở thành nạn nhân buôn bán con người sau khi đặt chân đến Đài Loan. Anh nói như sau: “Đến Đài Loan, họ đưa tôi đi khám sức khoẻ. Sau đó họ đưa tôi về công ty môi giới tại Đài Trung. Tại đó cô phiên dịch môi giới người Việt tên Vinh, người Thanh Hoá, bảo tôi lau chùi văn phòng, sau đó rửa rau, chuẩn bị thức ăn để nấu và đi xuống tầm hầm dưới văn phòng ở đó. Họ nhốt tôi ở đó, không cho tôi đi ra bên ngoài. Ngoài tôi ra còn có 1 chị người Việt Nam khác tên chị Tạ Thị Hiếu, cũng bị nhốt như tôi. Khoảng 7 giờ tối, ông Du Đăng Ba chở cô phiên dịch Vinh, chị Hiếu và tôi về 1 nơi khác để ngủ. Ở đây họ nhốt tôi và chị Hiếu trong 1 căn phòng và khoá cửa lại”.
Tệ trạng buôn bán con người qua hình thức lao động là biến người lao động làm việc không đúng với hợp đồng, lao động như một người nô lệ. Anh Mùi kể tiếp như sau: “Sau ngày thứ 16, sáng ngày 28 tháng Bảy năm 2006, 2 nhân viên công ty môi giới và cô phiên dịch tên Vinh đưa tôi đến một gia đình người Đài. Vừa bước vào nhà chủ, tôi đã không được nhận làm việc vì tôi là người Việt Nam; chủ muốn thuê người Indonesia.
Tuy nhiên, sau khi thương lượng với môi giới, họ bắt tôi làm việc những việc như giặt quần áo, lau chùi nhà cửa, nấu ăn, làm cỏ, là ủi quần áo. Thời gian làm việc là từ sáng 5 giờ đến tối 11giờ đêm; tổng cộng thời gian làm việc là 18 tiếng mỗi ngày. Khi nghe qua yêu cầu của chủ là làm việc nội trợ gia đình, tôi đã từ chối vì không đúng với hợp đồng lao động. Tôi đã phải trả 1 số tiền quá lớn; làm như vậy đến bao giờ tôi mới làm đủ tiền trả nợ vay mượn ở Việt Nam.
Trong khi đó, công ty môi giới Đông Phương Sư và phiên dịch người Việt tên Vinh đã bắt ép tôi viết 1 bản cam kết qui cho tôi tội không chịu làm công việc mà chủ đã chỉ định. Tôi đã từ chối. Cứ thế cô phiên dịch tên Vinh thay mặt chủ môi giới ép tôi nhiều lần. Cuối cùng công ty môi giới đã đề nghị tôi nên trốn ra ngoài đi làm. Nếu muốn trốn, họ sẽ giúp cho tôi bỏ trốn. Tôi đã không đồng ý vì đã trả 1 số tiền quá lớn cho việc qua Đài Loan đi làm”. Trong lúc đó anh vừa khóc vừa nói: “ Họ đã nhốt tôi trong suốt thời gian này”.
Nhờ vào sự lanh lẹ, qua giới thiệu của bạn bè, anh Mùi đã lợi dụng cơ hội đi đổ rác, chạy ra ngoài, liên lạc với văn phòng Trợ Giúp Pháp Lý Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam, để được giúp đỡ. Tệ trạng buôn bán con người qua hình thức lao động là 1 việc rất phổ biến tại Việt Nam trong thời gian qua. Việc buôn bán này có sự hổ trợ và dẫn dắt tinh vi của công ty môi giới Việt Nam.
Người Việt Nam vì nghèo đói, muốn thay đổi hoàn cảnh, đã nhắm mắt đưa chân cho công ty môi giới do nhà nước cấp giấy phép, để rồi trở thành nạn nhân. Đổi đời đâu chưa thấy, tiền mất tật mang. Thế cô, làm sao mà đòi hỏi lẽ phải cho mình trong 1 xã hội vốn đầy dẫy bất công tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam làm được gì cho những nạn nhân bị buôn bán lao động này? Còn bao nhiêu những người nghèo khổ Việt Nam tiếp tục là nạn nhân của tệ trạng? Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội Việt Nam đã có trách nhiệm gì với các nạn nhân bị buôn bán?