Trên thế giới có hai Công Ước Quốc Tế (CWQT): CWQT về Quyền Công Dân & Chính Trị, CWQT về Quyền Kinh Tế, Văn Hóa, Xã hội. Đài Loan đã gia nhập hai CWQT này vào ngày 10/12/2009. Vì vậy, từ ngày 16/1 đến 20/1/2017 Chính Phủ Đài Loan đã mời 10 chuyên gia quốc tế độc lập về quyền con người đến Đài Loan để nghệm xét báo cáo thực hiện hai CWQT tại Đài Loan lần thứ 2. Hội nghị quốc tế này diễn ra lần đầu vào năm 2013.
Trong Hội Nghị, một chuyên gia Ấn Độ nêu câu hỏi cho Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia: “ Đài Loan đã có bộ luật nào chế tài các công ty trong trường hợp họ đi đầu tư vào nước khác và gây ô nhiễm môi trường hay chưa?”. Một đại diện của Ủy ban này trả lời “Có”.
Tuy nhiên, Linh mục (LM) Nguyễn Văn Hùng, Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân và Cô dâu Việt Nam (VMWBO), đã phản bác lại câu trả lời của đại diện Ủy ban Giám sát Tài Chính. LM đưa ra dẫn chứng về thảm họa mà Công ty Formosa đã gây ra cho bốn tỉnh miền Trung Việt Nam vào tháng 4/2016 đã vi phạm quyền con người, quyền sống, quyền trẻ em,… Và tính đến thời điểm hiện tại, Chính Phủ Đài Loan vẫn chưa có một hành động nào để yêu cầu Công Ty Formosa phải chịu trách nhiệm với hậu quả mà mình gây ra. LM đã nêu ra một số vấn đề như sau:
- Trong công tác quy hoạch một vùng đất rộng lớn cho công ty Formosa, chính quyền địa phương đã dùng biện pháp cưỡng chế và bắt ép người dân phải di dời. Đặc biệt là cuộc đàn áp dã man giáo dân của Giáo xứ Đông Yên.
- Formosa đã cấu kết với chính quyền địa phương để xin thuê đất lên đến 70 năm so với 50 theo luật quy định và họ thuê đất với giá rẻ mạt 80 đồng/m2.
- Hơn 155 em học sinh là con cái của những hộ dân không di dời thì không được đến trường trong vòng 2 năm cho đến khi sự việc này bị các tổ chức xã hội lên tiếng. Lúc đó các em mới được đi học lại.
- Sau thảm họa Formosa, người dân nơi đây không còn được hưởng quyền sống và làm ăn nữa vì họ không còn việc để làm, không có tiền họ lại làm liều và ăn cá bị nhiễm độc để rồi phải cấp cứu tại bệnh viện hoặc qua đời một cách oan ức. Những người có sức khỏe thì phải tha phương cầu thực để lo cho gia đình, một số người phải vay mượn khắp nơi để có tiền đi lao động Đài Loan để rồi bị bóc lột và sống một cuộc sống vô cùng thống khổ.
- Sau thảm họa nghiêm trọng làm cá chết hàng loạt nhưng người dân nơi đây chẳng những không được biết những chất gì đã được thải ra mà còn chẳng được tổ chức kiểm tra sức khỏe. Khi họ tự túc đi kiểm tra thì bệnh viện lại không trả kết quả cho họ.
- Vì để giữ kín bí mật kinh doanh, Formosa không công bố các chất độc hại họ thải ra và người dân không được biết những thông minh liên quan đến cuộc sống và tính mạng của họ.
Đồng thời, LM đưa ra một số yêu cầu:
- Chính phủ Đài Loan cần thay đổi luật pháp để những nạn nhân như thảm họa Formosa có thể đến Đài Loan để đòi hỏi công bằng nếu quốc gia họ không thực hiện điều đó.
- Đối với các nước có tình trạng tham nhũng và luật bảo vệ môi trường cũng như quyền con người còn hạn chế như Việt Nam thì chính phủ Đài Loan cần phải xem xét kế hoạch đầu tư nước ngoài một cách khắc khe trước khi cho các công ty này đến quốc gia đó đầu tư. Điều này nhằm hạn chế tình trạng làm giảm danh tiếng Đài Loan trên trường quốc tế.
- Luật pháp của Đài Loan phải phù hợp với luật pháp thế giới liên quan đến quyền con người, văn hóa, xã hội, kinh tế,…hay các CUQT mà Đài Loan đã tham gia.
Cuối cùng, một vị chuyên gia quốc tế độc lập đã đáp trả rằng họ sẽ làm việc lại với Ủy ban Giám Sát Tài chính và các bộ có liên quan để xem xét vấn đề này và thay đổi luật pháp để phù hợp với hai CWQT mà Đài Loan đã ký tên đồng ý thi hành.