Cuộc họp báo và biểu tình được tổ chức bởi nhiều tổ chức môi trường, nhân quyền Đài Loan, phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự và chính trị tại Việt Nam, cùng sự tham dự của nhiều công nhân lao động Việt tại đây.
Các nhà hoạt động Đài Loan, Việt Nam đã lần lượt phát biểu trước giới báo chí, để tố cáo tội ác hủy hoại môi trường biển của Formosa đối với các tỉnh miền Trung, dưới sự tiếp tay của chính quyền CSVN.
Trong phần phát biểu của mình, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân kêu gọi công ty Formosa công bố điều tra nội bộ về nguyên nhân của chất thải độc hại xả ra biển và cam kết rửa sạch hoàn toàn môi trường của Việt Nam, để không “làm hoen ố hình ảnh Đài Loan”, đặc biệt trong lúc Đài Bắc thúc đấy chính sách Hướng Nam Mới.
“Tuy nhiên, Formosa không phải là thành phần có trách nhiệm duy nhất trong vụ cá chết. Nhà cầm quyền Việt Nam phải thể hiện sự minh bạch và công khai toàn bộ điều tra về sự kiện này. Là những thành phần quan tâm, các nhà hoạt động Việt Nam và Đài Loan có thể hợp tác để tranh đấu cho sự minh bạch và nhận trách nhiệm, đòi hỏi nạn nhân của thảm hoạ môi trường được đền bù xứng đáng.” – ông Duy nói.
Linh mục Đặng Hữu Nam, người đứng đầu giáo xứ Phú Yên tại Nghệ An, một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thảm họa do Formosa gây ra, đã bị công an Việt Nam sách nhiễu và ngăn chặn không thể đến buổi họp báo như dự trù. Tuy nhiên, phần trình bày của ông đã được Ban Tổ Chức chia sẻ đến những người có mặt.
Trong bài phát biểu của mình, Linh mục Nam cho biết từ ngày Formosa gây thảm họa môi trường, cuộc sống của ngư dân MIền Trung vô cùng thê thảm. Họ đang chết dần với biển và đối đầu với nguy cơ phá sản vì món nợ ngân hàng đầu tư vào phương tiện đánh bắt.
Ông nói về những tai ương mà người dân miền Trung đang phải đối mặt: “Trẻ em đứng trước nguy cơ không được đến trường , nhiều người đã phải tha hương kiếm kế sinh nhai. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đã chết vì làm việc tại vùng biển này. Một số nguời đã chết vì ăn phải cá tôm bị nhiễm độc, một số khác bị nhiễm độc nhưng bệnh viện đã từ chối tiếp nhận vì áp lực của trên. Người dân nơi đây đã bắt đầu mang những căn bệnh lạ như lở loét chân tay”
Linh mục Nam cho biết sau khi nhận lỗi Formosa vẫn tiếp tục lén lút xả thải, tẩu tán và chôn lấp cá chết và chất thải độc hại ra môi trường. Họ còn áp dụng chính sách nội bất xuất ngoại bất nhập không cho phóng viên báo chí tiếp cận các cơ quan hữu quan thanh tra hoạt động xả thải.
Cùng với cha Nam, các nhà hoạt động người Việt và Đài Loan phát biểu trong buổi họp báo đã kêu gọi chính phủ Đài Loan phải buộc Formosa minh bạch tất cả những vấn đề liên quan đến thảm họa môi trường, đặc biệt là phải minh bạch những thỏa thuận ngầm với chính phủ CSVN, khiến họ đã bưng bít mọi thông tin về thảm họa cho đến ngày hôm nay.
Anh Huy, một người dân Hà Tĩnh đang làm việc tại Đài Loan có mặt trong cuộc họp báo, cho biết anh đến đây để chia sẻ nỗi đau của đồng bào, người thân tại quê nhà. Anh hết sức cảm kích khi thấy chính những người Đài Loan đã đứng ra đòi công lý cho người Việt Nam.
“Tôi có may mắn được sống ở trên một xứ dân chủ, cho nên được tự do tham gia cuộc biểu tình ôn hòa, đúng luật pháp này để nói lên sự quan tâm của mình đến vấn đề môi trường tại VIệt Nam. Khi nhìn những hình ảnh đồng bào trong nước bị đàn áp vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa vì môi trường, tôi cảm thấy thật đau lòng, và bất bình trước hành động phi dân chủ, phi nhân của chính quyền CSVN.” – anh Huy nói.
Các tổ chức Đài Loan & Việt Nam sẽ còn nhiều hoạt động trong những ngày tới, nhằm vận động chính phủ Đài Loan sớm điều tra công ty Formosa.
Một thông tin quan trọng khác vừa được phái đoàn “Vì Môi Trường Biển Miền Trung” cho biết vào sáng ngày 10/08: chính phủ Đài Loan đã đề nghị với công ty Formosa họ sẵn sàng can thiệp vào tiến trình đàm phán, tìm giải pháp đền bù giữa Formosa và chính quyền Hà Nội, nhưng Formosa đã từ chối.