Tiếp theo buổi điều trần ngày 5/12, sáng ngày 6/12 tại Quốc Hội Đài Loan đã diễn ra cuộc họp báo liên quan đến Thảm họa Formosa. Đây là lần thứ hai diễn ra cuộc họp báo liên quan đến vấn đề này. Cuộc họp báo lần đầu tiên diễn ra với mục đích yêu cầu Formosa phải nhận tội.
Cuộc họp báo này diễn ra với sự hiện diện của ba vị dân biểu, linh mục Nguyễn Đình Thục, linh mục Nguyễn Văn Hùng, một số tổ chức xã hội dân sự, một số bạn lao động Việt tại Đài Loan và đặc biệt là có sự hiện diện của một số nhà báo đến từ các tờ báo lớn của Đài Loan và đài truyền hình quốc gia. Cuộc họp báo này sẽ được phát sóng cùng ngày trên kênh truyền hình Đài Loan.
Nội dung cuộc họp báo gồm hai phần:
- Sự cố ô nhiễm môi trường mà Công ty Formosa đã gây ra cho người dân bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.
- Dân biểu sẽ đề nghị thay đổi luật pháp để ngăn cản tình trạng Công ty Formosa đã làm tại Việt Nam.
Lời phát biểu của linh mục Nguyễn Đình Thục trong buổi họp báo làm cả kháng phòng chìm trong sự im lặng và sự xúc động: “Các vị nghĩ như thế nào khi một công ty nước ngoài đến quê hương của các vị đầu tư và để lại cho người dân nơi ấy những tổn thất vô cùng to lớn về vật chất, tinh thần và hủy hoại môi trường mà các vị đang sống?”…“Formosa với cách làm ăn thiếu minh bạch, vô trách nhiệm, không tôn trọng môi trường sống của người Việt Nam đã làm cho người dân đồng hóa Formosa với Trung Quốc và kéo theo một hình ảnh xấu trong tâm thức người Việt về Đài Loan!”
Sau buổi họp báo, Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết:
“Các dân biểu sẽ yêu cầu công ty China Steel, là công ty có cổ phần 25% trong cổ phần của Công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh, phải đến một buổi điều trần công khai ở Quốc hội để trình bày những kết quả kiểm nghiệm về chất độc đã thải ra trong nước biển, và hiện nay đã làm gì để giải quyết những độc hại đó. Đồng thời, yêu cầu Công ty China Steel của chính phủ Đài Loan phải có trách nhiệm về việc đó”.
Ngoài ra, các đại diện của Việt Nam cũng yêu cầu Quốc hội Đài Loan phải sửa đổi một số quy định về việc kiểm soát và xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở nước ngoài như Formosa:
“Thứ nhất, chúng tôi yêu cầu bên Bộ Kinh tế, trong việc xét duyệt những đề án kinh tế đến các nước làm việc, đầu tư, thì không thể chỉ báo cáo miệng mà phải có trình tự đi qua.
“Thứ hai, nếu công ty ra nước ngoài mà gây thiệt hại hoặc vi phạm nhân quyền, thì chính phủ phải có trách nhiệm để ràng buộc công ty đó.
“Thứ ba, những nạn nhân ở những quốc gia mà những công ty làm kinh doanh gây ra những tai hại đó, thì dân chúng tại những địa phương ở quốc gia đó có quyền tới Đài Loan để thưa kiện”.
Về phía các dân biểu Đài Loan, bà Tô Thị Phần hứa sẽ gây áp lực đối với công ty Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh thông qua Công ty China Steel, yêu cầu họ phải cung cấp kế hoạch cụ thể để bồi thường cho các nạn nhân ở Việt Nam và làm sạch môi trường biển. Đồng thời, các dân biểu sẽ nỗ lực đề xuất lên Quốc Hội việc sửa đổi quy định về kiểm soát và xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi đầu tư nước ngoài và hi vọng nó sẽ được đưa vào bản dự thảo kế hoạch trong “Chính sách hướng Nam mới” của Tổng thống Thái Anh Văn.