Kể từ đầu tháng 4/2016 hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam xuất hiện tạo nên một thảm họa chưa bao giờ có trong lịch sử Việt Nam và để lại thiệt hại nặng nề về người, của cũng như hệ sinh thái biển. Người dân đặt cho nó tên gọi là Thảm họa Formosa bởi vì thảm họa này được gây ra bởi Công ty Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (Đài Loan).[1]
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Sài Gòn (1/5 và 8/5/2016 )[2], Hà Nội (8/5 và 5/6/2016)[3], và đặc biệt tại Đài Loan (1/5 và 17/6/2016)[4] do một số NGOs (EJA, VMWBO) tổ chức nhằm yêu cầu Formosa phải nhận lỗi. Sau gần 90 ngày, dưới sức ép của dư luận, người dân và một số tổ chức dân sự tại Đài Loan, ngày 30/6/2016 Công ty Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh chính thức cúi đầu nhận tội và xin lỗi toàn thể người dân Việt Nam vì đã gây ra thảm họa này với một lý do hết sức vô lý “ mất điện” và bồi thường ở mức rẻ mạt 500 triệu đô la Mỹ[5] so với thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ.[6] Trong khi đó, Việt Nam còn phải mất hơn 1 thập kỷ[7] và có khi đến hơn 5 thập kỉ sau mới khắc phục được hậu quả của thảm họa này.[8]
Thế nhưng, khi về đến Đài Loan đại diện của Formosa Hưng Nghiệp lại nói với báo chí Đài Loan rằng họ bị Chính Phủ Việt Nam giam lỏng và ép buộc phải nhận tội thì mới cho về nước. Trước đó, 25/4/2016 trong một cuộc họp báo Giám đốc PR của Formosa Hưng Nghiệp đã hùng hồn tuyên bố “ Muốn chọn tôm cá hay gang thép”.[9] Trong thư nhận tội gửi tới Chính Phủ Việt Nam, Formosa Hưng Nghiệp còn yêu cầu chính phủ Việt Nam phải giúp họ giữ chữ tín trên thương trường quốc tế và hỗ trợ họ để công ty tiếp tục vận hành và đưa vào hoạt động.[10] Trong lá thư gửi toàn thể nhân viên, Tổng Giám đốc Formosa Hà Tình còn nói rằng: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam”.[11] Văn hóa và đạo đức của người lãnh đạo có sự ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và đạo đức của một doanh nghiệp. Sau những công văn này, tôi đã hiểu rằng vì sao Giám đốc PR của Formosa Hưng Nghiệp lại quá vô lý và ngông cuồng đến như thế.
Sau đó không lâu, Formosa Hưng Nghiệp tiếp tục hoạt động trở lại. Vì không thể thải trực tiếp ra biển, họ chuyển đổi sang chất thải rắn và thuê công ty địa phương để chôn loại chất thải này ở các bãi rác, công viên tại nhiều nơi trong khu vực Bắc Trung Bộ.[12] Thật sự may mắn rằng sau thảm họa, người dân luôn giám sát chặt chẽ mọi hành động của Formosa và đã phát hiện ra mà tố cáo tội ác này. Họ lại chạy tội với lý do thuê công ty xử lý chất thải mà không biết rằng công ty địa phương này sai phạm. Không dừng lại ở đó, Formosa lại tiếp tục xin được xả thải ra Sông Quyền là một con sông nằm ở đầu nguồn và nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và trồng trọt cho hàng ngàn hộ dân.[13]
Không biết hối cải, trái lại Formosa lại tìm mọi phương cách để xử lý các chất thải độc hại bằng cách thải vào môi trường tự nhiên của Việt Nam. Họ có mưu đồ gì? Hành vi của họ phải bị tố cáo ra Toà án Quốc tế để thụ lý mới phải vì đó là tội ác hủy hoại hệ sinh thái của một quốc gia và tội diệt chủng vì về lâu về dài nếu các chất độc này không được xử lý tốt thì nó sẽ ảnh hưởng đến hệ gen của những con người sống nơi đây.
Người dân không thể tiếp tục đứng nhìn những kẻ tàn bạo tiếp tục hành vi của mình, một lần nữa các làn sóng biểu tình liên tiếp diễn ra tại tỉnh Quảng Bình (7/7/2016)[14], Nghệ An (7/8,15/8,21/8,1/9/2016)[15], Hà Tĩnh (2/10/2016) với sự tham gia của hơn cả ngàn giáo dân tại các giáo sứ và đỉnh điểm là hơn 10.000 người biểu tình tại Nghệ An.[16]
Đài Loan, ngày 8/10 trước cổng Tập đoàn Formosa tại Đài Bắc đã diễn ra một cuộc biểu tình do các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan thực hiện và thu hút được sự chú ý của báo chí thế giới. Mục đích chính là yêu cầu Formosa chịu trách nhiệm với người dân và cải tạo môi trường biển. Sau tội ác đã làm, Formosa không thể phủi tay như không có chuyện gì xảy ra được. Họ có thể dùng 500 triệu để mua sự im lặng của chính quyền nhưng của người dân thì không thể bởi vì người dân chính là nạn nhân trực tiếp và họ hiểu được nỗi thống khổ này như thế nào.
Hai ngày 5/6/2016 và 6/12/2016 đã diễn ra cuộc điều trần và họp báo tại Quốc Hội Đài Loan về thảm họa Formosa đặc biệt với sự hiện diện của Linh mục Nguyễn Đình Thục – Quản nhiệm Giáo sứ Song Ngọc. Ngài là một trong những nạn nhân trực tiếp của thảm họa Formosa và cũng là người dẫn đầu trong các cuộc biểu tình tại Nghệ An. Người đã trao thỉnh nguyện thư cho các vị dân biểu Đài Loan nhờ đến Chính Phủ Đài Loan giúp các ngư dân nghèo Việt Nam đòi lại công bằng bởi vì 506 lá đơn kiện của họ đã bị chính phủ Việt Nam trả lại và họ không còn cửa nào đòi công lý nữa.[17] Thực ra còn 2 vị linh mục khác dự định tham dự nhưng vì một vài sai sót về visa mà hai vị này đều không thể xuất hiện. Là sự vô tình hay cố ý? Có ai thấy được điều gì đó sai sai ở đây hay không? Người Việt phải đến đất nước của kẻ đã làm ô nhiễm nước mình để mà thỉnh cầu nhờ giúp đỡ. Trong khi đó, không thấy bóng dáng của đại diện chính phủ Việt Nam xuất hiện trong bất kỳ buổi họp nào.
Ngày 30/12 tại Quốc Hội Đài Loan tiếp tục diễn ra buổi chất vẫn giữa các vị dân biểu, các tổ chức xã hội dân sự với Công ty China Steel (công ty của chính phủ Đài Loan đầu tư với 25% cổ phần vào Formosa Hà Tĩnh). Trong buổi chất vấn này người đại diện của China Steel luôn trốn tránh trả lời câu hỏi của các vị dân biểu và tổ chức xã hội dân sự. Ông ta cái gì cũng không rõ, không biết và nói rằng đã báo cáo lên Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Dân biểu Trần Mạn Lệ nói nếu đó không phải là bí mật thì bà sẽ chia sẽ báo cáo đó cho các tổ chức để họ tham khảo sau ngày 4/1/2017.[18]
Theo báo cáo 366/BC-CP, ngày 29/9/2016 của Chính phủ, Formosa có 58 sai phạm quy định về môi trường[19]. Tuy nhiên trong một số bài báo gần đây cũng như trong báo cáo của Chinal Steel gửi đến các vị dân biểu thì họ lại cho biết rằng đã khắc phục 51/53 lỗi vi phạm và chẳng thấy bài báo nào ghi rõ là đó những lỗi gì và khắc phục như thế nào.[20] Họ còn nói rằng sẽ cử một đội giám sát làm việc với Formosa Hưng Nghiệp để theo dõi việc xả thải trong vòng 3 năm.[21] Đội giám sát đó gồm những ai, tổ chức nào, ai là người kiểm tra độc lập? Có 1 chi tiết được viết trong báo cáo là chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho Formosa tiếp tục xả các chất phế thải theo dạng nước cho đến năm 2019. Điều này đã đi ngược lại kế hoạch ban đầu của Formosa trong việc xả thải. Nhà cầm quyền csVN đã biết nay lại tiếp tục chấp nhận để Formosa tiếp tục xả thải qua thể lỏng giống trước.[22]
Tính đến hiện tại chưa có một báo cáo chính thức nào được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng một cách rõ ràng và chi tiết những loại hải sản nào, ở đâu đã được kiểm nghiệm và có thể sử dụng được,… Chỉ là những phát ngôn trong chung chung trong các cuộc họp báo là biển đã sạch và cá có thể ăn được. Trong khi họ nói rằng để khắc phục hậu quả phải cần đến hơn 1 thập kỉ, có khi đến 5 thập kỉ. Vậy tuyên bố nào là chính xác nhất, người dân có thể tin vào ai? Đồng thời, chưa có một nghiên cứu nào được công bố về việc liệu chất thải gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt này có thể ảnh hưởng đến hệ gen của những con người sinh sống khu vực xung quanh hay những người ăn phải các hải sản bị nhiễm độc hay không? Có một vài video cho thấy rằng đã xuất hiện lại sự sống bên dưới đáy biển.[23] Vậy những con cá này từ đâu đến, có phải dòng hải lưu đã mang chúng đến hay chúng đã có từ trước và có thể thích nghi với chất cực độc như thế, và nếu chúng ta ăn vào thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Một điều vô lý hơn nữa, những chất độc được thải ra lại không được phép công bố mà đang nằm trong phong bì niêm phong và được cất giữ trong tủ sắt bí mật của ai đó dưới cái tên là “Bí mật kinh doanh” và có sự “Thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Formosa”. Vậy đất nước này của dân, do dân và vì dân ư?
Trong lịch sử phát triển kinh tế của thế giới có rất nhiều vụ án ô nhiễm môi trường gây ra hậu quả rất nặng nề như thảm họa Minamata tại Nhật Bản…. Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường này không thể hiện ra ngay lập tức mà phải vài năm sau chúng mới được phát hiện thông qua việc biến đổi gen của con người và động vật. Tất cả những ai ăn hải sản và gạo hoặc rau sử dụng nguồn nước sông bị nhiễm độc để trồng trọt đều bị nhiễm bệnh. Đã hơn vài thập kỉ trôi qua, nhưng cho đến nay họ vẫn còn phải nạo vét và phục hồi con sông đó.[24] Việt Nam chúng ta bị ô nhiễm hơn 200Km đường biển là nơi cư trú và nguồn sống của hơn 200.000 người dân.[25] Thế mà chính quyền có thể xác nhận rằng “biển đã tự sạch”.[26]
Miền Trung là vùng đất chịu thiệt thòi nhất Việt Nam. Bởi vì sao ư? Hằng năm, người dân phải chịu những đợt nắng nóng nhất và mưa dông nhiều nhất. Mỗi năm mùa nước về là họ lại phải “ sống chung với lũ”. Họ không đòi hỏi gì ngoài việc kiếm đủ cơm ăn, áo mặc và lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Những tập đoàn lớn như Formosa biết được điểm yếu của nơi đây nên họ đã tới Hà Tĩnh để xin đầu tư. Người dân vô cùng vui mừng khi khu công nghiệp được xây nên thì đồng nghĩa với việc cuộc sống và kinh tế của gia đình sẽ được khá giả hơn, họ sẽ được sống tốt hơn một chút. Thế nhưng, đâu ai ngờ sẽ có ngày như hôm nay.
Ngư dân các tỉnh miền Trung sống chung với biển từ đời này sang đời khác. Biển như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Đối với người trưởng thành, biển như một thành viên trong gia đình, như cha như mẹ bởi vì biển cung cấp cho họ nguồn sống. Đối với những đứa trẻ, biển là tuổi thơ, biển là ước mơ bởi vì nhờ biển mà cha mẹ chúng mới có thể cho chúng đến trường. Thế nhưng giờ đây biển còn đâu? Những bãi biển dài và đẹp, thơ mộng và sạch sẽ trước kia nay trở nên đìu hiu, vắng bóng người. Những con tàu nằm đó phơi nắng gió mà không được sử dụng nữa bởi vì không còn cá để đánh bắt. Trong tháng 11 vừa qua, người dân nơi đây lại chịu tiếp các trận lũ lụt lịch sử do việc xả thải “đúng quy trình” của nhà máy thủy điện.[27] Cuộc sống họ đã vô cùng khốn khổ sau thảm họa Formosa nay lại khốn khổ hơn. Khi viết đến đây tôi có cảm giác trái tim mình trĩu nặng và mắt tôi không còn thấy rõ tương lai của họ và có cảm giác như quỷ dữ và bóng tối bao trùm nơi đây. Mất đi nguồn sống, những con người nghèo phải chật vật từng ngày để kiếm miếng cơm manh áo. Trong cái lạnh giá rét mùa mưa, những ngư dân nghèo lại phải đội mưa xuống đường để biểu tình đòi lại quyền lợi bởi vì họ vô cùng bức xúc và tức giận trước sự bất công này. Năm nay có thể những đứa trẻ được miễn học phí. Nhưng rồi năm sau và những năm tiếp nữa thì như thế nào đây? Và những đứa trẻ đang ôm giấc mộng giảng đường đại học đang còn giỡ dang thì sao? Bởi vì các em chỉ biết rằng để thoát khỏi cảnh nghèo thì các em phải học. Tương lai thế hệ trẻ tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào? Các vị lãnh đạo công ty Formosa ơi, các vị có bao giờ nghĩ đến điều này hay không? Có cần vì tiền mà có thể đánh đổi biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão và cả mạng sống của những người dân nghèo nơi đất nước chúng tôi hay không? Tại sao các vị không sử dụng chiến lược Win-Win mà lại sử dụng chiến lược kinh doanh quá ích kỉ để rồi bây giờ hình ảnh người Đài Loan trong mắt người Việt Nam chẳng khác nào cường bạo Trung Quốc cả. Các vị luôn miệng nói mình khác người Trung Quốc, khác ở chỗ nào? Hãy chứng minh cho chúng tôi thấy rõ đi.
Đóng lại một năm 2016 đầy biến động và quá nhiều đau thương mất mát cho người dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là những ngư dân nghèo ở bốn tỉnh miền Trung nói riêng. Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết cồ truyền rồi. Mọi năm, các ngư dân đã rất vất vả mới có thể lo được một cái Tết gọi là đủ, dù không có thể chuẩn bị được nhiều thứ nhưng ít nhất là vẫn có thể chuẩn bị được mâm cơm cúng ông bà tổ tiên với chén với cơm trắng và cá biển. Năm nay thì không còn cá nữa rồi. Việc cũng không còn nữa. Tiền đền bù cũng không có. Rất nhiều người đã rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực và còn chưa biết sống chết ra sao. Cái ăn họ còn lo không nổi thì làm sao mà có Tết đây? Tôi tin chắc rằng, gieo nhân nào gặt quả ấy. Có thể hiện tại tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng nơi đây còn chưa được quan tâm, nhưng vì sự quyết tâm, kiên trì của họ thì một ngày nào đó công lý sẽ được thực hiện “Nước chảy đá mòn”. Các đồng bào miền Trung Việt Nam thân mến, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng và đừng nản trí, VMWBO sẽ luôn đồng hành cùng mọi người để giành lại công bằng và tìm ra chân lý.
Tham khảo:
[1]http://baohatinh.vn/nong-nghiep/ca-chet-hang-loat-o-bien-vung-ang-do-o-nhiem-nguon-nuoc/112165.htm
[2]http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160501-ha-noi-va-sai-gon-bieu-tinh-chong-tap-doan-formosia-thai-chat-doc-ra-bien
[3]https://chantroimoimedia.com/2016/05/08/bieu-tinh-ngay-8-5-2016-ha-noi-sai-gon-bi-dan-ap-cap-nhat-1020-gio/
[5]http://vneconomy.vn/thoi-su/formosa-xin-loi-gay-o-nhiem-bien-mien-trung-cam-ket-boi-thuong-20160630030617870.htm
[6]https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/03/8999-uoc-tinh-mot-phan-thiet-hai-kinh-te-do-formosa-gay-ra/
[8]http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/30038902-mat-bao-lau-thi-bien-mien-trung-se-phuc-hoi.html
[10] Thư xin lỗi và bồi thường gửi tới Chính Phủ Việt Nam. Nguồn: VMWBO
[11]http://dantri.com.vn/su-kien/chu-tich-formosa-gui-thu-cho-toan-bo-nhan-vien-20160630153207058.htm
[12]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hon-100-tan-chat-thai-cua-formosa-chon-tren-dat-lien-3434953.html
[15]http://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/hon-30-ngan-giao-dan-bieu-tinh-doi-formosa-cut-khoi-viet-nam/
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/kyanh-officers-assault-christians-xn-08162016152457.html
http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/giao-dan-giao-phan-vinh-tiep-tuc-bieu-tinh-doi-dong-cua-formosa/
[17]https://chantroimoimedia.com/2016/12/06/van-dong-va-trao-thinh-nguyen-thu-ve-formosa-tai-quoc-hoi-dai-loan/
[18]https://chantroimoimedia.com/2017/01/01/cong-khai-chat-van-formosa-tai-quoc-hoi-dai-loan-pv-lm-nguyen-van-hung/
[19]http://www.conganhatinh.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/mot-so-tinh-hinh-moi-lien-quan-toi-khac-phuc-hau-qua-su-co-moi-truong-bien-tai-4-tinh-mien-trung-18437-1811.html
[22] Báo cáo mật của China Steel gởi cho Uỷ Ban Chính Sách Kinh Tế Hướng Nam. Nguồn: VMWBO
[23]http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160507/clip-dau-tien-duoi-day-bien-quang-binh/1097035.html
[25]http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-says-taiwan-firm-s-pollution-affected-200000-people-07292016090943.htm