Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đến trưa cùng ngày nhiều bè cá chết sạch, thiệt hại của mỗi hộ lên tới vài trăm triệu đồng. Một số bè còn cá sống nhưng cũng đang có dấu hiệu lờ đờ, chủ bè tích cực sục khí mong cứu đàn cá.
Bè của ông Huỳnh Văn Hùng (45 tuổi), tổ 90 phường Khuê Mỹ có 5 lồng cá diêu hồng, mỗi lồng thả 3.000 con đều chết trắng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các lồng cá thịt sắp đến kỳ thu hoạch.
Theo ông Hùng, từ chiều tối 16-7 đã phát hiện cá có dấu hiệu lờ đờ và nổi lên ngáp bóng. Đến rạng sáng thì bắt đầu chết lác đác và đến trưa tất cả cá lớn đều chết, phân hủy và bốc mùi khá nặng.
“Tôi nuôi mỗi lồng gần hai tấn cá đều chết sạch, tiền đầu tư cá giống, thức ăn rồi công coi sóc đến nay đã trên ba trăm triệu, giờ coi như đổ sông hết rồi. Biết lấy gì mà trả nợ vay họ hàng đây!” – ông Hùng nói như khóc.
Tại bè nuôi của ông Nguyễn Tam Trí (40 tuổi), trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, chỉ còn một số ít cá còn khỏe được ông Trí vớt ra khu vực riêng để cứu vãn. Toàn bộ số cá chết được ông cho ghe vớt bỏ bao nhập cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc vớt vát lại phần nào. Ông Trí nói lượng cá chết đã hơn 5 tấn, với thời giá 33 ngàn đồng/kg ông nhẩm tính đã mất hơn 160 triệu đồng.
Hiện trên sông Cổ Cò có 31 hộ nuôi cá lồng, mỗi hộ nuôi từ 5-12 lồng bao gồm cá diêu hồng, cá dìa, cá giò, cá nâu… Trong đó, các loại cá đề kháng yếu như diêu hồng, cá giò bị chết nhiều nhất.
Các hộ cho biết đã nuôi cá lồng trên sông nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu chứng kiến sự việc như vậy. Nhiều người nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm do cống xả thải của một nhà máy xử lý nước cạnh đó là nguyên nhân làm cá chết.
Ông Nguyễn Văn Tiên, trưởng Phòng Tài nguyên & môi trường quận Ngũ Hành Sơn, cho biết ngay trong buổi sáng, cán bộ quận đã cùng người của Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường – Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng đến hiện trường lấy mẫu nước phân tích tìm nguyên nhân, kết quả sẽ có trong vài ngày tới.