Tình trạng cảnh sát tìm bắt lao động bất hợp pháp tại Đài Loan càng ngày càng trở nên gay gắt hơn sau khi Tổng thống Thái Anh Văn lên chức. Cũng vì những lệnh bắt dồn dập này mà có biết bao nhiêu lao động bất hợp pháp quốc tịch Việt Nam đã bỏ lại mạng sống nơi đất Đài Loan này. Đặc biệt, trong một năm trở lại đây có hai vụ án nổi bật làm dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng cảnh sát sử dụng bạo lực (súng) bắn chết lao động bất hợp pháp khi họ bỏ chạy.
Với chủ đề Lao động bất hợp pháp không phải tội phạm, lúc 10 giờ sáng ngày 3/9 trước cục cảnh sát quốc gia, một vài tổ chức xã hội dân sự đã mở cuộc họp báo nói về vấn đề này. Cuộc họp báo này có sự tham dự của đại diện một số tổ chức dân sự, một số di công Việt Nam và Philipine và đặc biệt có sự tham dự của thân nhân của hai nạn nhân bị cảnh sát bắn chết năm ngoái và năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Đông, cha của anh Nguyễn Quốc Phi người đã bị cảnh sát bắn 9 viên đạn đến chết đã phát biểu: về cảnh sát tôi thấy dùng súng sai nguyên tắc xem nhẹ con người, bắn liên tục 9 phát đạn vào người là không cho phép và không đúng với quy tắc dúng súng đối với cơ quan cảnh sát. Đây là một bài học xương máu cho ngành công an. Phải tuyển dụng người có đức, có tài, tôn trọng nhân quyền, không nên làm như vậy với người vô tội. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh sự thất vọng của mình đối với đại diện của chính phủ Việt Nam tại Đài Loan. Ông cho biết mình đã đến nhờ sự giúp đỡ từ Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Đài bắc nhưng họ không giúp đỡ mà còn vận động đưa con về nước càng sớm càng tốt “con của bác sai”. Theo ông, đó là quan điểm sai và thiếu trách nhiệm.
Chị Hoàng Thị Hà, là em gái của anh Hoàng Văn Đoàn, cho biết anh mình đi làm rồi bị cảnh sát dùng súng bắn lưới bắn trúng đầu và bị thương, và đã bị còng lại. Tuy vậy, anh Đoàn đã bỏ chạy rồi bị chết vì mất quá nhiều máu. Vấn đề chị Hà nên lên là vì sao cảnh sát lúc đó cảnh sát không tìm kiếm anh mình. Họ nói đã tìm thì họ tìm trong bao lâu? Vì sao gia đình anh ấy có thể tìm thấy thi thể anh cách chỗ cảnh sát bắt được anh rất gần nhưng tại sao cảnh sát lại không thể tìm thấy. Chị Hà muốn nhờ báo chí và các tổ chức dân sự lên tiếng lấy lại công bằng cho anh mình.
Một số tổ chức nhân quyền và di công cũng phát biểu rằng tại sao chính phủ lại đổ hết tội lỗi lên đầu của người lao động bất hợp pháp và coi họ như tội phạm? Chính phủ nói rằng lao động bất hợp pháp làm nguy hại an ninh quốc gia nhưng tỉ lệ tội phạm người Đài Loan lớn hơn nhiều so với số lao động này. Chính phủ nói rằng lao động bất hợp pháp lấy mất việc làm của người lao động địa phương tuy nhiên các lao động này chỉ làm những việc lao động địa phương không làm như nông dân, công trường, các công việc nguy hiểm và lương thấp… Đại diện các tổ chức đề nghị Chính phủ thay vì đổ hết lỗi lên lao động bất hợp pháp thì hãy giải quyết rõ ngọn ngành lý do vì sao họ lại bỏ trốn chẳng hạn như phí môi giới cao, chủ thuê bóc lột, luật pháp không công bằng,…
Sau mỗi bài phát biểu của từng người thì mọi người lại hô to khẩu hiệu “Lao động bất hợp pháp không phải tội phạm.” Giữa cái thời tiết oi bức, nắng nóng của thành phố Đài Bắc hôm nay đã có một nhóm người vì lợi ích của hơn 50,000 người mình không quen biết xuống đường, chịu đựng cái nắng hơn 35 độ để tổ chức cuộc họp báo đòi lại công bằng, nhân quyền cho họ. Họ sẽ vẫn còn tiếp tục đòi hỏi quyền lợi cho các lao động bất hợp pháp cho đến khi chính phủ thay đổi luật, công nhận họ để trở thành lao động hợp pháp như Hàn Quốc đã làm.