Ngày 4/1/2017 tại Viện Tư Pháp Đài Loan, Đài Bắc đã diễn ra cuộc họp liên quan đến cải cách tư pháp tại Đài Loan. Hiện diện trong buổi họp này, phía Viện Tư Pháp có Viện Trưởng Ông Chiu Tai-san, Phó Viện Trưởng Ông Chen Ming-tang Thư Ký và phó Thư Ký. Phía Liên Minh Cải Cách Tư Pháp (LMCCTP) có các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự (XHDS).
Ông Chiu Tai-san phát biểu “ Tổng thống Thái Văn Anh là người đứng đầu Ủy ban CCTP. Trong Uỷ Ban có nhiều Ủy Viên. Bản thân ông là một trong các Ủy Viên của Ủy Ban”.
Các đại diện các tổ chức XHDS lần lượt trình bày những quan điểm và vấn đề liên quan đến tư pháp ảnh hưởng đến công việc của họ. Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, đại diện Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Cô Dâu Việt Nam (VMWBO), trình bày về phẩm chất của thông dịch viên Việt Nam tại tòa án, cảnh sát và Sở Di Dân. Khi thông dịch viên không hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động hoặc cô dâu khi họ cần sự giúp đỡ tại bất kỳ cơ quan nào. Linh mục đã đưa ra một số bất cập như sau:
- Thông dịch viên chủ yếu là cô dâu Việt tại Đài Loan. Khả năng phiên dịch của họ khá giới hạn vì văn nói của họ khá trôi chảy nhưng văn viết thì không biết, ngữ căn không thành thạo. Chính vì vậy, các vị này trong lúc thông dịch không thông dịch đúng, đủ và sát nghĩa mà lại dịch theo ý mình thay vì ý của người lao động hay cô dâu.
- Thông dịch viên Việt Nam là những người sống xa quê hương thời gian dài nên tiếng Việt của họ hiện nay cũng bị giới hạn. Những thông dịch viên này chủ yếu đến từ miền Nam của Việt Nam, còn những người lao động chủ yếu đến từ miền Trung hay Bắc. Mỗi vùng miền của Việt Nam ngôn ngữ không giống nhau, nếu không có nền tảng và đào tạo về ngôn ngữ thì họ không thể nào thông dịch một cách chính xác.
- Thông dịch viên không có nhiều kiến thức về luật pháp: luật lao động, di dân, buôn bán con người, sức khỏe,… Vì vậy, khi thông dịch họ không đi thẳng vào vấn đề mà phải giải thích vòng vòng.
- Thông dịch viên bị cảm tính chi phối. Họ không có sự kiên nhẫn và khó kiểm soát được bản thân khi lao động cần giải thích rõ ràng nên sẽ lặp lại câu hỏi nhiều lần. Thông dịch viên khi đó sẽ trở nên nóng giận với người lao động làm cho người lao động sợ hãi và mất bình tĩnh.
- Lương của thông dịch viên khá thấp. Mặc dù rất nhiều người có khả năng thông dịch nhưng họ không muốn đầu tư vào công việc này vì sự trả công không cao.
- Mặc dù sinh sống ở Đài Loan trong thời gian khá dài nhưng những thông dịch viên này vẫn còn giữ suy nghĩ và văn hóa cấp bậc như ở Việt Nam. Họ không biết thông cảm và thấu hiểu nỗi khổ của người lao động.
- Một số thông dịch viên đến từ công ty môi giới nên thiếu sự khách quan vì họ sẽ bảo vệ quyền lợi cho môi giới và chủ thuê.
- Phán quyết bằng văn bản của tòa án không có tiếng Việt.
Đồng thời, linh mục đã đưa ra những đề nghị như sau:
- Thay vì sử dụng các cô dâu Việt Nam tại Đài Loan thì chính phủ có thể thuê thông dịch viên tiếng Việt sinh sống tại những quốc gia khác và hội đủ tiêu chuẩn mà chính phủ đưa ra để hợp tác thông qua điện thoại hoặc skype…
- Chính phủ cần đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá hằng năm để loại bớt những thông dịch viên không đủ trình độ và không đạt yêu cầu.
- Bộ Tư pháp cần làm việc với các tổ chức XHDS trong LMCCTP để hiểu thêm về những khó khăn của họ cũng như của người lao động để cải cách luật pháp đảm bảo công bằng và quyền con người cho phù hợp với 2 công ước quốc tế mà Đài Loan đã gia nhập.
Sau đó,Viện trưởng Viện Tư pháp đã đáp lời rằng ông hứa sẽ chuyển đạt những ý kiến, đề nghị của linh mục. Tiếp theo, thư ký của Viện Tư pháp đã nhờ VMWBO cung cấp cho họ những vụ án trong đó phiên dịch viên đã làm việc tắc trắc gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Họ muốn dùng những vụ án này để đưa vào chương trình huấn luyện trong tương lai.
Chúng tôi hi vọng việc cải cách tư pháp được xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất để bảo vệ được quyền lợi cho người lao động và các cô dâu tại Đài Loan và mang lại công bằng cho tất cả mọi người.