Sau nhiều tháng ngày chuẩn bị, hôm nay ngày 20/6/2017 đoàn người Việt Nam và Đài Loan khoảng 50 người,đã tụ tập trước khách sạn Vương Triều, Đài Bắc nơi tổ chức họp cổ đông của công ty Formosa mẹ của công ty Formosa Gang Thép Hà Tĩnh.
Để có thể cập nhật tình hình đời sống, sức khỏe, công ăn việc làm và môi trường biển sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển Miền Trung do công ty Formosa Hà Tĩnh gây nên, BTC đã nỗ lực vận động 4 nhân chứng từ vùng Hà Tĩnh và Nghệ An đến Đài Loan, nhưng những nhân chứng này đã không thể đến Đài Loan vì bị cấm xuất cảnh và những lý do khác.
Buổi họp báo biểu tình đã bắt đầu lúc 13:30, có rất nhiều các cơ quan báo chí Đài Loan và Việt Nam hiện diện, Cô Mãnh Phẩm, đại diện BTC tuyên bố lý do buổi họp báo biểu tình. Cô nói, “cách đây 2 năm, chúng tôi đã đến nơi đây để biểu tình, chỉ điểm Formosa Gang Thép Hà Tĩnh (FHT) là nguyên nhân gây thảm họa môi trường biển Miền Trung. Nhưng đại diện của Formosa Đài Loan đã chối tội. Nhưng đến ngày 30/6/2016, tập đoàn lãnh đạo FHT đã cứu đầu nhận tội. Đã 2 năm qua FHT đã chưa thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với các nạn nhân và môi trường biển cũng như công khai tư liệu kiểm soát ô nhiễm của mình”. Sau khi phát biểu, cô Mãnh Phẩm đã mời linh mục Nguyễn Văn Hùng phát biểu.
“Đáng lẽ hôm nay sẽ có 4 nhân chứng , 2 người là thân nhân của 2 nạn nhân và 2 linh mục đến đây để trình bày cùng quý vị. Nhưng không may là có 1 vài người bị cấm xuất cảnh và những khó khăn khác không đến được. Tôi xin thay mặt cho họ để trình bày cùng quý vị vấn đề hiện nay liên quan đến 2 năm FHT gây ô nhiễm.” Linh mục Hùng đã trình bày nội dung lá thư của linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, quản xứ Cồn Sẻ, gởi đến báo chí truyền thông như sau:
“…………………..Giáo xứ Cồn Sẻ có khoảng 3700 người dân sống phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đánh bắt thủy sản trên biển và trên sông Gianh. Trong số 3700 người này, có khoảng 1700 người đang độ tuổi lao động. Giáo xứ có 57 tàu lớn chuyên đánh bắt trên biển và 230 thuyền nhỏ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông.
Mỗi tàu lớn khi ra biển thường sử dụng khoảng 15 lao động, 57 tàu đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 850 người, mỗi tháng họ đi biển 2 chuyến, thu nhập bình quân của mỗi lao động là 12 triệu đồng/tháng (khoảng 500 USD). Ngoài những người lao động trên tàu, các dịch vụ kèm theo như buôn bán cá, lưới, ngư cụ, sửa chữa máy, tàu thuyền, vá lưới, buôn bán thực phẩm cho tàu mua dự trữ mỗi khi ra khơi… đã tạo công ăn việc làm cho hầu hết người ở thôn Cồn Sẻ này, kể cả những người sức khỏe yếu hay những trẻ em có thể giúp cha mẹ khi có thời gian rỗi sau giờ học.
Tuy nhiên, thảm họa Formosa đã PHÁ VỠ CƠ CẤU LAO ĐỘNG CỦA TOÀN BỘ NGƯỜI DÂN NƠI ĐÂY. Nguồn thủy sản trên biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên số lượng cá đánh bắt giảm đi rất nhiều. Có nhiều chuyến ra khơi về, thu nhập không đủ bù vào chi phí và trả lương cho công nhân. Theo báo cáo của UBND xã Quảng Lộc, 6 tháng đầu năm 2018, đoàn tàu chỉ đạt được 26,42 % kế hoạch đề ra, nhưng thực tế, các chủ tàu cho biết số lượng thủy sản đánh bắt được còn ít hơn. Vì thế, nhiều lao động không còn tiếp tục làm trên tàu, nhiều người kiếm ngành nghề khác hoặc bỏ quê ra đi lao động ở nước ngoài, phần lớn là Hàn Quốc và Đài Loan. Thống kê sơ bộ, số lao động của Cồn Sẻ đang ở nước ngoài khoảng 350 người, riêng tại đất nước Đài Loan của quý vị, tại thời điểm này có gần 80 người lao động xuất thân từ Cồn Sẻ.
Số người bỏ tàu đi kiếm công việc khác đã làm các chủ tàu không đủ nhân lực để ra khơi, nhiều người muốn bán tàu nhưng cũng khó bán, vì bán thì lỗ quá nhiều, nhưng để lại thì không thể ra khơi. Hiện tại đã có 9 chủ tàu buộc phải bán tàu, là gia sản của họ. Khi đoàn tàu bị thua lỗ, kéo theo các ngành nghề liên quan, dịch vụ hậu cần như buôn bán thủy sản, đan vá lưới cũng đình trệ và nhiều người phải lâm vào cảnh thất nghiệp.
Về bệnh tật: Nhà cầm quyền Việt Nam hứa sẽ dùng số tiền bồi thường của Formosa để khôi phục môi trường biển, nhưng cho đến nay, sau hơn 2 năm thảm họa, họ chưa làm bất cứ một điều gì để xử lý chất độc trong biển. Số lượng người bị ung thư ngày càng tăng cao. Quý vị hãy tưởng tượng, chỉ trong một thôn với khoảng 3700 người, đã có 19 người bị bệnh ung thư, nhiều người đã chết. Ngay ngày hôm qua, tôi vừa cử hành lễ an táng cho một người mất ở tuổi 42 vì ung thư, để lại vợ và 5 người con.
Về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân: Năm 2016, sau khi thảm họa xảy ra, chúng tôi đã làm một thống kê thiệt hại trên toàn Cồn Sẻ, với thời hạn bồi thường thiệt hại cho người dân là 5 năm và tổng số tiền chúng tôi tính được là khoảng 800 tỷ VNĐ (Tương đương 35 triệu USD). Thực tế, số tiền bồi thường thiệt hại mà Formosa chi trả cho toàn bộ người sống trên Cồn Sẻ chỉ được khoảng 70 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 310.000 USD), tức là chưa được 10% so với thiệt hại thực tế.
Đó là thực trạng của một địa phương nhỏ, nếu quý vị tìm hiểu và thống kê trong toàn Miền Trung Việt Nam, con số sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Và tệ hơn, nhiều nơi không được bồi thường một đồng xu nào, khiến cuộc sống lại càng thêm lầm than khốn khổ.
Tôi đang nói đến sự tàn ác do một công ty từ đất nước của quý vị mang đến cho chúng tôi. Thịnh vượng không thấy, chỉ thấy lợi dụng sự yếu kém của nhà cầm quyền, lợi dụng tình trạng tham nhũng để đẩy nhân dân chúng tôi vào vòng gian lao khổ cực. Chúng tôi mong muốn sự phát triển kinh tế nhưng nó phải ở trong sự thịnh vượng chung và đặt trên sự tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền.”
Sau phần phát biểu, là phần hô to những khẩu hiệu như “phải công khai dữ liệu ô nhiễm của công ty Formosa”; “FHT phải chịu trách nhiệm xã hội”; hoặc “Formosa ngưng đồng lõa với Việt Cộng”. Những khẩu hiệu này đã được hô to bằng 2 thứ tiếng Việt và Hoa.
Giáo Sư Paul Jobin đã trình bày về chuyến đi thực địa của ông vào đầu năm nay tại 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thuận Hóa. Ông đã gặp rất nhiều người dân và nói chuyện với họ. Họ đều cho biết muôn vàn khó khăn đời sống hiện tại do công ty FHT gây ra. Ông còn cho biết hẩu như những ai ông gặp đều cho biết là số tiền bồi thường họ nhận được rất ít ỏi so với thiệt hại mà họ và gia đình ghánh chịu.
Anh Yan Tong, đại diện tổ chữ Bảo Vệ Nhân Quyền đã lên tiếng về việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền csVN đối với 17 cá nhân lên tiếng đấu tranh chống Formosa HT tại Việt Nam. “Tổng thống Thái Anh Văn đang theo đuổi chính sách Kinh Tế Hướng Nam. Chính sách này không thể bắt chước chính sách phát triển kinh tế giống như Trung Quốc, đồng lõa và thỏa hiệp với nhà cầm quyền độc tài, đánh đập, bắt bớ và giam cầm những người đấu tranh chống Formosa Hà Tĩnh. Cổ xúy cho lý tưởng và giá trị Tự Do và Dân Chủ phải là trung tâm của chính sách Hướng Nam mới đúng”.
Còn có nhiều lời phát biểu của đại diện các tổ chức khác cùng tham dự.
Chúng tôi cũng vừa mới nhận được thông tin cho biết, trong Đại Hội Cổ Đông năm nay, cô Echo Lâm đã mang những tấm hình của những nhà đấu tranh chống Formosa Hà Tĩnh đã bị bắt vào trong hội trường chất vấn Formosa Đài Loan. Đại diện tập đoàn Formosa đã không trả lời được các câu hỏi và cuối cùng ông Tổng Giám Đốc Formosa Đài Loan đã giải tán cuộc họp cổ đông ngày hôm nay.
Ngày mai chúng ta sẽ đọc được những lời bình luận của báo chí về thái độ và ứng xử của tập đoàn Formosa trước hành vi giải tán họp cổ đông và không trả lời các câu hỏi của cổ đông liên quan đến công khai dữ liệu an toàn môi trường và trách nhiệm xã hội của Formosa Hà Tĩnh.
Buổi biểu tình họp báo đã chấm dứt vào lúc 2:45 cùng ngày. Các khẩu hiệu được hô to bằng 2 thứ tiếng Việt, Trung vang dậy 1 góc phố , tạo khí thế cho những nỗ lực kế tiếp để đòi công lý, công bằng cho nạn nhân Formosa Hà Tĩnh hôm nay và mai sau.
Nguồn: video và hình ảnh của đài PTS