Ngày 5/12 tại Quốc Hội Đài Loan – Đài Bắc đã diễn ra một buổi điều trần liên quan đến Thảm họa ô nhiễm môi trường biển mà Công Ty Formosa Hà Tĩnh đã gây ra tại bốn tỉnh miền Trung – Việt Nam.
Buổi điều trần này có sự tham dự của:
- Linh mục Nguyễn Đình Thục – Giáo Sứ Song Ngọc, Giáo Phận Vinh & là đại diện của Ban Hỗ Trợ Nạn Nhân Môi Trường Biển.
- Linh mục Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam.
- Các dân biểu Đài Loan: Bà Tô Thị Phần, Ông Ngô Côn Dụ,Bà Trần Mạn Lệ và người đại diện của Chủ tịch Quốc hội Tô Gia Truyền.
- Một số tổ chức xã hội dân sự: Hiệp Hội Luật Gia Môi Trường (EJA), Liên Minh Giám Sát Việc Thực Hiện Các Công Ước Nhân Quyền (Covenants Watch), Tập Đoàn Pháp Nhân Đài Loan Hiệp Hội Sinh Thái Tâm Hướng Tự Nhiên (Wild at Heart Taiwan), Hội Xúc Tiến Nhân Quyền Đài Loan (Taiwan Association for Human Rights).
Bắt đầu buổi điều trần, Linh mục Nguyễn Đình Thục mời mọi người xem một video clip về toàn cảnh thảm họa ô nhiễm môi trường biển mà Công Ty Formosa đã gây ra cho người dân bốn tỉnh miền Trung vào tháng 4. Sau đó, Linh mục đưa ra dẫn chứng cụ thể về hậu quả mà thảm họa này ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và trẻ em tại giáo sứ Song Ngọc nơi mà Linh mục trực tiếp quản nhiệm và tận mắt chứng kiến. Kết thúc lời phát biểu, Linh mục mong muốn Quốc Hội Đài Loan giúp đỡ người dân Việt Nam lấy lại sự công bằng thông qua việc tạo sức ép lên Công ty Formosa Đài Loan và trả lại môi trường biển sạch và an toàn cho người dân bốn tỉnh miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cũng trong buổi điều trần này, các linh mục Việt Nam đã trao thỉnh nguyện thư của 46 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Campuchia và Iran tới Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Đài Loan. Thỉnh nguyện thư gồm 5 yêu cầu chính như sau:
1. Yêu cầu công ty Formosa phải công bố kết quả điều tra nội bộ về nguyên nhân xả chất thải độc hại và công ty Formosa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả mà họ đã gây ra.
2. Dùng áp lực của giới hành pháp Đài Loan để hỗ trợ lời kêu gọi của chúng tôi mở cuộc điều tra khoa học độc lập và thiết lập việc giám sát chất lượng môi trường toàn diện.
3. Theo dõi và can thiệp vào tiến trình bồi thường các nạn nhân của thảm họa để đảm bảo đầy đủ tiền bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân này.
4. Thúc đẩy công ty Formosa bạch hóa toàn bộ nội dung của các thoả thuận với chính quyền Việt Nam.
5. Thúc đẩy chính quyền Đài Loan thêm luật hoặc sửa đổi luật để ngăn ngừa các công ty có vốn đầu tư Đài Loan hoạt động tại nước ngoài không được lợi dụng các quốc gia yếu kém về luật lệ và thực thi bảo vệ môi trường.
Phỏng vấn với SBTN, Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết “Tiến trình để có được buổi điều trần này là một tiến trình khá là lâu dài. Chúng tôi đã chuẩn bị việc này từ tháng 9 năm nay và tới bây giờ nó mới xảy ra. Qua rất nhiều buổi họp, thảo luận, tìm phương pháp và gặp cũng không ít khó khăn, nhất là khó khăn từ bên phía Nhà nước Việt Nam trong việc một số nhân chứng đến Đài Loan để trình bày về Công ty Formosa cho Quốc Hội cũng như là cho người dân Đài Loan biết. Và cuối cùng cuộc điều trần đã xảy ra. Thay vì chúng tôi muốn có 3 nhân chứng từ Việt Nam thì chúng tôi chỉ có 1 nhân chứng mà thôi..”
Đáp trả lại vấn đề này, Bà Tô Thị Phần hứa rằng bà sẽ sắp xếp để hai linh mục có buổi gặp gỡ và tiếp xúc với đại diện của Bộ Kinh Tế để giải đáp một số vấn đề liên quan đến việc đầu tư vào Việt Nam của Công ty Formosa và Bộ Ngoại Giao để khiếu nại về việc cấp visa sai và chậm cho hai linh mục khác.
Trả lời phỏng vấn với SBTN sau khi buổi điều trần kết thúc, linh mục Nguyễn Đình Thục phát biểu cảm nghĩ: “ Cha rất vui và cảm kích trước sự quan tâm lo lắng của Chính phủ Đài Loan và các dân biểu. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng, Cha không hiểu hết nội dung về những vấn đề họ bàn luận nhưng Cha thấy được họ đã nổ lực rất nhiều để tìm ra giải pháp…Và đây là điều Cha cảm thấy không có được trên đất nước Việt Nam..”
Cuối buổi điều trần, dân biểu Tô Thị Phần nán lại ít phút để trò chuyện và động viên các linh mục chuẩn bị tinh thần thật vững vàng cho buổi họp báo chính thức vào ngày mai 6/12 tại Quốc Hội. Đồng thời bà nói rằng đây là một cuộc chiến vô cùng khó khăn và lâu dài, vì vậy mọi người cần phải thật sự kiên nhẫn, vững tâm và chiến đấu không ngừng nghỉ bởi vì tập đoàn Formosa có thế lực khá mạnh và đã gây ra vô số thảm họa trên thế giới, kể cả Đài Loan nhưng đến nay họ vẫn chưa thực sự thay đổi cách kinh doanh gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân nơi họ đặt nhà máy.