Kính thưa các các phóng viên và quý vị,
Chúng tôi hiện diện ở đây để tham dự một sự kiện quan trọng đối với chúng tôi, đối với người Việt Nam, và chúng tôi nghĩ, nó cũng quan trọng đối với các bạn – Đó là sự kiện các nạn nhân của Thảm họa Formosa tại Việt Nam nạp đơn khởi kiện Công ty Formosa để tìm công lý cho họ, đồng thời đó cũng là phương cách để bảo vệ môi trường sống cho mọi người trên hành tinh này.
Tôi nhắc lại sơ lược về thảm họa Formosa:
– Đầu tháng 4/2016, hiện tượng cá biển chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển Miền Trung Việt Nam, bắt đầu từ Hà Tĩnh, nơi có nhà máy Formosa, rồi lan dần sang phía Nam bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… Tổng cộng hơn 100 tấn cá chết trôi dạt vào bờ được phát hiện trên hơn 250 km bờ biển (không xác định được số cá chết chìm ở đáy biển).
– Mặc dù pháp luật Việt Nam không cho phép, nhưng nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa đã nổ ra tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nội, Sài Gòn… thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Những cuộc biểu tình này thường kết thúc trong sự đàn áp của an ninh, bao gồm cả bạo lực và bắt giam. Nhiều người đã phải lãnh án tù vì tham gia biểu tình chống Formosa, có người lên tới 20 năm tù giam.
– Trong gần 3 tháng kể từ ngày xảy ra thảm họa, chính quyền Việt Nam và Công ty Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều luận điểm lệch lạc, nhiều khi mâu thuẫn nhằm chối bỏ trách nhiệm của mình đối với thảm họa, nhưng cuối cùng, ngày 30/6/2016, trước áp lực của dư luận, trong một cuộc họp báo do Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức, lãnh đạo Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi và hứa bồi thường 500 triệu USD cho nạn nhân cũng như khôi phục hệ sinh thái môi trường biển. Theo Báo cáo 246/BC-CP ngày 26/7/2016 của Chính phủ, Formosa đã vi phạm tới 53 lỗi, trong đó nghiêm trọng nhất là tự ý thay đổi công nghệ dập cốc khô (hiện đại, ít ô nhiễm) sang công nghệ dập cốc ướt (lỗi thời, gây ô nhiễm). Báo cáo này cũng thống kê con số nạn nhân là 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người bị ảnh hưởng trực tiếp, 176.285 lao động phụ thuộc bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
- Điều khiến cho nhiều người bất bình và nghi ngờ là việc thỏa thuận bồi thường 500 triệu USD không dựa trên bất cứ một đánh giá khoa học nào liên quan tới tác hại của thảm họa đối với môi trường biển, chi phí cũng như thời gian khắc phục hệ sinh thái biển, sự ảnh hưởng tới công ăn việc làm của số ngư dân trong ít nhất 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời điểm hiện tại và tương lại.
- Khi tiến hành bồi thường cho người bị thiệt hại, việc bồi thường diễn ra tùy tiện, không thỏa đáng, rất nhiều nạn nhân không được bồi thường. Và số tiền người dân bị thiệt hại trực tiếp do thảm họa chẳng đáng là bao (chỉ khoảng 30% so với thiệt hại thu nhập thức tế của những người khai thác thủy hải sản và ngàng nghề có liên quan).
- Mặt khác, từ khi thảm họa xảy ra đến nay, Formosa không làm bất cứ điều gì để tẩy độc và khôi phục môi trường biển như họ đã hứa. Nghiêm trọng hơn, Formosa tiếp tục gây hại cho môi trường sống của chúng tôi. Trong 53 lỗi nêu trên, công nghệ dập cốc ướt gây hại cho môi trường là nghiêm trọng nhất nhưng vẫn chưa được khắc phục. Công văn 495/CAT-CSMTr, ngày 06/4/2019 của Công An Hà Tĩnh cho biết lượng chất thải rắn mà Formosa thải ra hằng năm là 3.360.500 tấn và hiện tại còn tồn đọng 780.000 tấn chưa xử lý. Mặt khác, thói tráo trở của Formosa lại tiếp tục khi họ đổi tên những chất độc hại thành những thứ vô hại để tẩu tán đi những nơi khác (đưa ra tỉnh Thái Nguyên, nguyên liệu để san lấp mặt bằng đường giao thông…). Hằng ngày, người dân chung quanh nhà máy phải chịu đựng khói bụi mù mịt. Vào những ngày mưa gió, người dân sống xung quanh chỉ nhìn thấy một màu nước đen ngòm từ trên mái nhà đổ xuống. Suốt cả một quảng đường gần 10km theo quốc lộ 1A chạy ngang nhà máy Fomusa người đi đường vẫn còn ngửi được mùi rất khó chịu, huống hồ chi là người dân sống xung quanh hằng ngày phải hứng chịu từ khói bụi, mùi, ô nhiễm nguồn nước mưa….
– Formosa vẫn tiếp tục xả thải ra biển, bằng chứng là những ngư dân xung quanh khu công nghiệp Fomusa thi thoảng đánh bắt được số lượng cá nhiều hơn một cách bất thường, những loại cá mà trước đây họ chưa bao giờ đánh bắt được nhiều như vậy, vì nó khó đánh bắt, như cá Đục, và khi nhìn thấy đàn cá bơi lờ đờ vật vã…. Đó là những ngày mà họ cho rằng Fomusa xả thải ra biển,
- Dân cư sinh sống xung quanh khu vực nhà máy Fomusa, nhiều căn bệnh bắt đầu hoành hành đe dọa cuộc sống của họ, đã ghi nhận con số ung thư và trẻ em bị quái thai tăng đột biến, các căn bệnh liên quan tới đường hô hấp, tiêu hóa.
- Cuộc sống của người dân từ khi thảm họa xảy ra đến nay ngày càng sa sút và rơi vào thảm cảnh. Ngoài việc ô nhiễm gây ra bệnh tật, chúng tôi còn phải đối diện với cảnh thất nghiệp. Môi trường biển bị tàn phá khiến hàng trăm ngàn người mất việc làm. Nhiều tàu thuyền phải neo đậu, hư hỏng do còn rất ít cá để đánh bắt, đẩy chủ tàu vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều người phải bỏ quê hương, gia đình phiêu bạt khắp nơi kiếm sống. Điều này kéo theo việc phân ly gia đình, vợ chồng, con cái…. nhiều gia đình đã đổ vỡ và nhiều trẻ em bị tổn thương nghiêm trọng khi cha mẹ không còn chung sống bên nhau. Như giáo xứ hiện nay tôi đang phục vụ, số lượng người trong độ tuổi lao động ở nhà chỉ chiếm khoảng 45%.
- Có những làng xã cả hàng ngàn hộ gia đình (Đông Yên, Kỳ Lợi) phải tan hoang, ly tán, rơi vào cảnh dở khóc dỡ cười vì phải di dời, xa rời quê cha đất tổ, rời bỏ nghề nghiệp, tới ở 1 vùng đất xa lạ. Cuộc sống chẳng dính dáng gì tới nghề nghiệp cũ – ngư nghiệp. Trong khi đó, nhà nước không hề có bất cứ chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, hay hỗ trợ việc làm cho họ, di dời theo kiểu đem con bỏ chợ.
Sống trong một chế độ độc tài toàn trị, người dân chúng tôi đã bị o ép nhiều mặt. Nay, chính một công ty từ đất nước của quý vị, đã lợi dụng tình trạng tham nhũng, độc tài để chất thêm gánh nặng, đau khổ trên cuộc sống của chúng tôi. Các nạn nhân, phần lớn là lao động nghèo khổ, ít học, họ không thể và không có điều kiện đến đây để nói lên tiếng nói của họ. Vì thế, chúng tôi, những linh mục của Giáo hội Công Giáo, chúng tôi thay mặt họ tố cáo tội ác của Formosa – kẻ đã gieo rắc thảm họa cho chúng tôi. Không chỉ nói thay nạn nhân, mà chính chúng tôi cũng là nạn nhân của Formosa.
Chúng tôi khâm phục tinh thần tự chủ, sự quý trọng độc lập, tự do của nhân dân Đài Loan nhưng người dân Việt Nam chúng tôi cũng sẽ không dung thứ những người vì lợi ích kinh tế mà coi thường tính mạng, sức khỏe và đời sống của người khác, của cộng đồng. Sự hợp tác luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, như vậy mới bền vững và cùng thịnh vượng.
Cuối cùng, chúng tôi cũng mong quý vị nhận ra rằng, việc nộp đơn khởi kiện của các nạn nhân hôm nay không chỉ là việc đòi hỏi một khoản tiền bồi thường, nhưng trên hết là đòi hỏi công lý cần phải được thực thi và sự bền vững, thịnh vượng cho toàn nhân loại. Việc chúng tôi khởi kiện Formosa đang góp phần bảo vệ Trái Đất, bảo vệ môi trường sống cho nhân loại, trong đó có quý vị và con cái của quý vị.
Xin chân thành cảm ơn quý vị.