Hôm nay là ngày 24/1/2017 nhằm ngày 27 âm lịch, nghĩa là chỉ còn vỏn vẹn 3 ngày nữa thôi là đến Tết Cổ Truyền, Văn Phòng Trợ Giúp Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam (VMWBO) chúng tôi sắp xếp và tổ chức một chuyến thăm viếng các anh chị em người Việt đang bị giam giữ trong một trại giam người nước ngoài tại Đài Bắc.
Đoàn chúng tôi gồm 4 người: hai bạn đại diện của Nhà thờ Đào Viên, tôi và Linh Mục Nguyễn Văn Hùng . Chúng tôi mang theo 40 phần quà là những chiếc bánh chưng, một ít dưa muối, giò thủ và bánh kẹo để tặng cho các anh chị em tại đây. Đoàn đến đây với hi vọng rằng chuyến viếng thăm cùng những món quà nho nhỏ này sẽ giúp các anh chị em đang bị tạm giam tại đây cảm thấy ấm lòng hơn vì mặc dù năm nay họ phải đón Tết trong một nơi lạnh lẽo và cô đơn như trại giam nhưng vẫn có thể cảm thấy ấm áp và cảm nhận được không khí năm mới thông qua hương vị của những món ăn quê nhà mặc dù là không trọn vẹn. Đồng thời qua chuyến viếng thăm này, họ sẽ thấy được rằng họ vẫn là những con người đáng quý và vẫn còn có những người sẵn sàng quan tâm và giúp đỡ những hoàn cảnh tương tự.
Vì VMWBO tọa lạc tại thành phố Đào Viên nên phải mất hơn một giờ đồng hồ để đến được nơi đó. Trại giam này được bao bọc bởi rừng cây rậm rạp và những hàng rào sắt cao hơn 5m. Nơi đây được chia ra thành từng tòa nhà to nhỏ khác nhau. Để vào được nơi giam giữ các anh chị em người Việt Nam, chúng tôi phải lái xe qua cổng lớn và đi tiếp khoảng hơn 20m. Tòa nhà này có hơn 8 tầng và 3 phía đều là rừng núi. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân tại cổng vào, chúng tôi tiếp tục đi qua hai lớp cửa nữa mới có thể vào tới hội trường nơi giành riêng cho việc tổ chức sinh hoạt cho tù nhân. Chúng tôi chỉ có một tiếng để gặp gỡ, nói chuyện và tặng quà.
Trại giam này đang giam giữ hơn 70 anh chị em Việt Nam. Tuy nhiên có thể vì quy định của trại mà chỉ có khoảng 30 người được xuống gặp mặt. Mọi người xếp hàng trật tự đi ra, trên tay cầm một chiếc ghế đẩu và mang trên mình bộ đồng phục màu xanh lá cây. Sau khi nghe Cha Hùng giới thiệu về tổ chức, tất cả mọi người vô cùng mừng rỡ và tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc khôn tả thể hiện qua đôi mắt và nụ cười của họ. Mọi người vỗ tay thật lớn và âm thanh của tiếng vỗ tay ấy vang vọng cả hội trường.
Chúng tôi và cha Hùng bắt đầu thăm hỏi từng người một. Nhìn chung, tất cả mọi người ở đây đều là lao động, vì bị bóc lột, làm không đủ tiền lương trả nợ nên đã phải trốn ra ngoài, trở thành những lao động không giấy tờ (undocumented workers). Anh chị em chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung và Bắc Việt Nam. Mỗi cá nhân có một hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, vì tôi được tiếp xúc và tư vấn cho những người lao động Việt Nam tại Đài Loan, tôi hiểu rằng không ai trong các bạn muốn bỏ trốn ra ngoài. Họ đã phải chấp nhận sống trốn tránh cảnh sát. Họ luôn sống trong nỗi bất an. Nhưng theo tôi, căn nguyên của mọi nỗi bất hạnh này đến từ ba nguyên nhân chính:
- Thứ nhất là sự đối xử bất công, bóc lột của chủ thuê, môi giới Việt Nam, và môi giới Đài Loan đối với lao động Việt Nam. Môi giới Việt Nam có thể lộng hành như vậy chính là nhờ sự hỗ trợ vô hình của Chính Phủ Việt Nam.
- Thứ hai, vì họ được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, một đất nước dưới sự lãnh đạo của độc Đảng đã tạo nên một nền giáo dục thối nát và nhiều thế hệ trẻ đã bị tẩy não bởi những thứ tốt đẹp và giả dối mà Đảng đã tạo nên.
- Thứ ba, Tôi không phủ nhận là bản thân những người lao động này không có lỗi gì. Họ vẫn có lỗi khi không chủ động trang bị cho mình những kĩ năng và kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn được sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, được hưởng một nền giáo dục và sự lãnh đạo như vậy thì bạn có giống như họ hay không?
Trong lúc phát quà cho các anh chị em:
Cha Hùng hỏi :“Các anh chị em muốn mở bánh chưng ra ăn liền không?".
Mọi người đều đồng thanh trả lời: “Không ạ".
Cha Hùng hỏi : “Vì sao vậy?”
Họ nói rằng: “Chúng con muốn đem lên phòng giam để chia phần cho những người không có cơ hội được gặp gỡ trong ngày hôm nay.”
Qua tình huống này, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù họ là những con người nghèo khổ về vật chất và không có học vấn cao nhưng họ lại là những con người có tấm lòng cao quý và biết chia sẽ. Đây là một phẩm chất đáng quý mà không phải ai cũng có được trong một xã hội vật chất như hiện nay. Tôi thiết nghĩ rằng, nếu như họ được sinh ra ở một đất nước tự do dân chủ và được hưởng nền giáo dục tiên tiến thì tin chắc rằng những con người nơi đây đều là nhân tài của quốc gia.
Sau đó chúng tôi tổ chức một số trò chơi để mọi người tham gia. Một vài bạn xung phong tham gia chương trình văn nghệ để hát tặng mọi người những bài hát về ngày Tết như Tết này con không về, Gặp gỡ Đức Kitô.
Cha Hùng giành 15 phút còn lại để cùng trò chuyện với anh chị em. Cha khích lệ tinh thần của mọi người, mong rằng mọi người hãy dùng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi và sau này về nước hãy cố gắng sống thật tốt, thay đổi suy nghĩ để có một cuộc sống tốt hơn.
Một giờ đồng hồ hôm nay sao trôi qua nhanh quá. Chúng tôi phát cho mỗi người một số sách báo để đọc trong thời gian rãnh rỗi và gửi lời chúc năm mới đến họ. Một bạn nữ đã đại diện để cám ơn chuyến viếng thăm của đoàn chúng tôi. Cha Hùng bắt tay từng người một và họ được các vị cảnh sát hộ tống đi về phòng giam.
Căn phòng gặp gỡ lúc này trở nên im ắng hẳn. Chúng tôi thu dọn mọi thứ và chào tạm biệt các vị cảnh sát để ra về. Bước ra khỏi phòng giam, tôi cảm nhận như mình vừa bước vào một thế giới khác, nơi tôi cảm nhận được sự tự do và thoải mái. Tôi chợt thấy mình may mắn hơn họ rất nhiều và thương những con người ấy. Đến khi nào những nỗi bất hạnh này có thể chấm dứt. Đến khi nào dân tộc và đất nước Việt Nam có thể thay đổi để những thế hệ trẻ sau tôi không còn là nạn nhân, không phải gánh chịu hậu quả từ sự vô cảm, ích kỉ, độc ác và tàn bạo của Đảng cầm quyền. Đến khi nào mỗi con người Việt Nam mới bước ra khỏi vùng an toàn cá nhân, đoàn kết cùng nhau đứng lên chống lại bất công và đòi hỏi những quyền lợi mà họ đáng được nhận. Đến khi nào…????
Chuyến viếng thăm như thế này vô cùng hữu ích nên văn phòng sẽ thường xuyên tổ chức những chuyến đi tương tự đến các trại giam khác ở Ý Lan, Nam Đầu,… để tiếp xúc, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ những anh chị em bị tạm giam lấy lại công bằng và niềm tin trong cuộc sống.