Vào lúc 10g sáng ngày 19 tháng 10 năm 2009 tại lầu 6 trụ sở chính của Qũy Hổ Trợ Pháp Lý Đài Loan, đã có 1 cuộc họp báo tường trình về việc bóc lột lao động buôn bán con người. Tiêu chí của cuộc họp báo là “Lao Động Nước Ngoài, Người Già Không Có Nhân Quyền. Buôn Bán Con Người Không Ai Quản lý” 「外勞老人無人權、人口販運沒人管!」Tham dự buổi họp báo có 5 chị công nhân lao động nữ làm việc tại 1 hệ thống viện Dưỡng Lão tại huyện Đài Bắc, cha Nguyễn Văn Hùng, ông Trần Vi Dương Phó Tổng Thư Ký Qũy Hổ Trợ Pháp Lý, cô Lý Mỹ Khanh, giám đốc Trung Tâm Hy Vọng, cô Hứa Thiểu Vũ, nhân viên xã hội của Liên Minh Bảo Vệ Quyền Lợi Người Già tại Đài Loan, Luật Sư Tôn Tắc Phương và LS Lâm Dũng Tụng.
Có rất đông các đài truyền hình, phát thanh, báo chí địa phương và quốc tế tham dự để lấy tin. Mở đầu cuộc họp báo, ông Trần Vi Dương đã lượt duyệt qua lý do của cuộc họp báo ngày hôm nay. Ông nói kể từ năm 2005, sau lần họp báo về việc rất nhiều công nhân nữ Việt Nam bị 2 cha con công ty môi giới hãm hại, làm nhục tại Đài Nam, tình hình lao động nô lệ, bóc lột lao động vẫn chưa có nhiều thay đổi tại Đài Loan. Để đánh động dư luận, cần có những buổi họp báo, có nhân chứng, làm rõ sự việc. Hôm nay có 5 nhân chứng sống hiện diện để làm rõ những vấn đề bóc lột, nô lệ con người trong thế kỹ thứ 21. Người lao động nước ngoài bị đối xử như những nô lệ và những người già mà họ chăm sóc cũng trở thành nạn nhân của việc bóc lột lao động này. Theo sự trình bày, hiện nay có khoảng 15 công nhân lao động Việt Nam nữ làm tại một hệ thống viện dưỡng lão chăm sóc người già tại huyện Đài Bắc. Những lao động đến từ miền Bắc Việt Nam. Thời gian họ đến Đài Loan làm việc không giống nhau. Trước khi đến Đài Loan, mỗi người đã phải trả cho môi giới Viêt Nam số tiền môi giới là $5,200 -$5,500 Mỹ Kim. Lý do đến Đài Loan làm việc là vì nghèo, muốn kiếm tiền cho con cái ăn học và cải thiện đời sống gia đình. Nhưng vì phải trả cho môi giới Việt Nam 1 số tiền lớn như vậy, nên khi qua Đài Loan, các chị chỉ biết cắn răng chịu đựng, dù có bị khổ cực và bị đối xử như nô lệ lao động.
Chị làm việc lâu nhất, trong số 5 chị hiện diện trong cuộc họp báo, chị “Thu” làm được gần 3 năm và ít nhất, chị “Thắm” , mới đến được hơn 4 tháng. Chị “Thu” đã trình bày, chị phải làm việc mỗi ngày từ 5:30 sáng đến 9:30 tối. Trưa được nghỉ 2 tiếng. Trong khoảng thời gian 2 tiếng, nếu có ai cần giúp đỡ, chị phải sẵn sàng. Ngoài ra, chị phải dậy giữa giấc ngủ từ 1-2 giờ sáng để phụ chăm sóc các cụ già cùng với các chị khác làm ca đêm. Như vậy chị làm việc mỗi ngày 15 tiếng. Còn các chị khác cho biết làm mỗi ngày làm từ 5:30 sáng đến 7:30 tối. Trong khoảng thời gian làm việc, các chị phải làm đủ thứ việc như lật người các cụ, đấm bóp, thay tả, hút đàm, cho uống thuốc, đút thức ăn, tắm rửa, chùi rửa cầu tiêu, phòng tắm, quét dọn, tưới hoa, lau chùi, v.v… Các chị làm không ngừng nghỉ; giống như 1 cái máy. Làm việc lâu giờ và cực nhọc như vậy, chủ mỗi tháng chỉ trả cho các chị mỗi người $2,000 Đài Tệ. Số tiền còn lại chủ bảo là đưa vào sổ ngân hàng. Cứ mỗi 6 tháng họ gởi về nhà 1 lần. Nhưng mỗi lần gởi chỉ được gởi 4 tháng lương. Số tiền còn lại chủ bảo làm tiền chống trốn. Chủ không bao giờ cho biết tiền lương mỗi tháng là bao nhiêu. Các chị chưa bao giờ thấy sổ ngân hàng của mình. Chị “Thắm” nhận được vỏn vẹn $4,000 Đài Tệ. Chị Thu”, gia đình chỉ nhận được bằng 1/3 số lương mà chị làm trong vòng thời gian gần 3 năm. Cứ mỗi lần hỏi chủ muốn gởi tiền về nhà trả nợ, chủ quát mắng, đe dọa đuổi về nước, các chị sợ hãi. Khi nói đến đây, các chị khóc! Tất cả giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, thẻ cư trú , thẻ khám bệnh đều bị chủ tịch thu. Các chị không được giữ cho mình. Vì bị tịch thu, khi bị bệnh, không thể đi khám bệnh được vì không có giấy tờ. Theo các chị cho biết, mỗi khi bị bệnh, muốn đi khám, chủ bảo chờ người Đài Loan đưa đi. Thời gian chờ từ 8 đến 10 ngày. Trong thời gian đó, các chị đã xin thuốc của các chị mới đến làm, mang từ Việt Nam sang. Các chị nói, đây là hành động vô trách nhiệm và vô nhân đạo của chủ thuê. Chỉ có chế độ lao động nô lệ mới đối xử với con người như vậy. Tịch thu giấy tờ là hình thức khống chế tinh thần, tâm lý vô hình còn nặng hơn gông, xích cùm xích nô lệ ở thế kỷ 19, 20.
Để có thể khống chế, kiểm soát các chị, chủ thuê đã không cho các chị ra ngoài. Cửa luôn luôn bị khoá. Chía khoá do người Đài Loan bảo quản. Chị “Thắm” chỉ được ra ngoài mua vật dùng cá nhân 2 lần trong thời gian hơn 4 tháng làm việc. Riêng chị “Thu” khi yêu cầu chủ cho ra ngoài, chị chỉ ra được 5 lần trong vòng thời gian gần 3 năm làm việc. Mỗi lần ra ngoài, chủ đều cho người đi theo kiểm soát. Mỗi lần chỉ được khoảng 1 tiếng. Đây là 1 hành vi phạm pháp nghiêm trọng vì chủ thuê đã vi phạm quyền tự do đi lại của con người. Các chị đã không có khoảng không gian nghỉ ngơi độc lập sau giờ làm việc. Chủ thuê đã bắt các chị ngủ chung cùng phòng với các ông bà cụ mà các chị chăm sóc. Giấc ngủ của các chị đã không được yên trọn giấc. Theo các chị cho biết các cụ hay la, rên lớn tiếng vào ban đêm. Các chị rất khó ngũ. Thêm vào đó, nếu đang đêm ngủ, có việc, bi kêu các chị phải dậy. Không có sức làm việc vì nghỉ ngơi không trọn vẹn. Thêm vào đó, các chị làm việc trong viện dưỡng lão đã phải ăn uống giống như các ông bà cụ. Thức ăn nấu cho người già, đa số là các chị không thích hợp. Có những ngày nhịn đói, đi làm. Trong khi đó, mỗi người đã phải đóng $5,000 Đài Tệ 1 tháng cho chi phí ở và ăn uống. Sự ngược đãi quá mức, khi các chị đã không được nghỉ bất cứ 1 ngày nào trong tháng. Phải làm đúng 365 ngày. Vào những ngày dịp lễ theo quy định của chính phủ, được nghỉ, nếu đi làm phải được tính tiền tăng ca gấp đôi. Các chị phải làm và không được tính tiền tăng ca. Thêm vào đó, các chị đi làm không được bấm thẻ. Tiền tăng ca của các chị trung bình mỗi ngày 4 tiếng làm thêm vẫn không được tính rõ ràng. Mỗi lần hỏi là mỗi lần bị chủ thuê hăm doạ trả về nước. Theo các chị cho biết, mỗi người phải chăm sóc từ 12 -17 người già vào ban ngày và ban đêm, từ 25-40 người. Vì người chăm sóc qúa ít so với người được chăm sóc, cho nên, phẩm chất chăm sóc bị giảm. Chủ thuê đã rất vô nhân đạo, yêu cầu các chị phải cột tay, chân các cụ vào thành giường vào ca đêm. Các chị động lòng trắc ẩn, thương cho các cụ, nhưng phải nghe theo lời chủ, nên đã có nhiều lần các cụ phản kháng, cắn vào tay các chị bầm tím. Công nhân lao động nước ngoài đã không được tôn trọng nhân quyền. Các cụ cũng trở thành người không có nhân quyền. kẻ săn sóc, người cầm quyền bị trói buộc như nhau. Sau phần trình bày của các chị, linh mục Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc điều hành đã được mời phát biểu. Ông đã nhấn mạnh đến khiá cạnh bóc lột lao động đối với trường hợp này. Do đó khi giải quyết, phải dùng Luật Chống Buôn Người thay vì chỉ dùng tranh chấp lao động. Ông nói, “ VP đã nhận được rất nhiều lời cầu cứu của các công nhân lao động trong các viện dưỡng lão. Án ngày hôm nay, không phải chỉ có 1 mà là có rất nhiều. Tình trạng này phải sớm chấm dứt.” Ngoài ra, ông cũng đề cập đến 2 sự việc mà chính phủ cần phải quan tâm và giải quyết. Thứ nhất phía cảnh sát và sau đó, Cuộc Lao Động địa phương.
Tối ngày 10/5/2009, nữ công nhân “Thu” gọi điện thoại báo cho linh mục biết là đang bị chủ thuê hành hung, cho người đến đánh và lôi đi trả về nước trước hợp đồng. Cô đã gọi 110 báo cảnh sát là mình bị đánh. Cảnh sát đến, nói chuyện với chủ thuê và sau đó ra về; mặc cho lời năn nỉ của người bị đánh là đưa đi nhà thương khám bệnh. Sau đó Linh mục Hùng đã điện thoại cho 3 trạm cảnh sát địa phương ở thành phố Bàn Kiều. Cảnh sát trong điện thoại không giúp giải quyết mà chuyển qua, chuyển lại bằng cách cho số điện thoại của các sở cảnh sát khác và hứa sẽ liên lạc lại. Nhưng tất cả là con số zero. Cảnh sát phải giúp giải quyết ngay khi nhận được báo án. Vì nạn nhân sẽ không thể chờ đợi khi họ trong lúc bị nguy hiểm đến tính mạng. Tối ngày 6/10/2009 lúc khoảng 21:30’, Phó cuộc trưởng Cục Lao Động đã gọi điện thoại cho linh mục Hùng hẹn ngày lên Cục để họp giải quyết vấn đề. Linh mục Hùng có báo cho bà phó cục lao động rằng công nhân rất sợ vì những gì đã xảy ra ngay tại hiện trường khi có nghị viên xuất hiện, họ muốn có luật sư hiện diện. Bà phó cục đã thay vì đề nghị VP mời luật sư, bà đã đặt vấn đề không cần phải có luật sư. Đây là hành vi cần phải kiểm điểm về thái độ và cách hành xử của 1 người giữ vai trò quan trọng trong cục lao động huyện Đài Bắc. Quyền lợi công nhân nước ngoài sẽ không được bảo vệ khi những người có trách nhiệm cao lại có cách nhìn và hành xử không chuyên nghiệp như vậy. Phần kết luận, linh mục Hùng đã yêu cầu Bộ Lao Động, Cục Lao Động, Cảnh Sát, kiểm điểm và nhanh chóng đưa ra các biện pháp điều tra, giải quyết tình trạng bóc lột lao động, buôn bán con người và nô lệ hoá bằng những hành vi kiểm soát tinh vi của môi giới và chủ thuê. Linh mục yêu cầu không thể dùng phương hướng giải quyết tranh chấp lao động để giải quyết hành vi bóc lộ lao động, buôn bán con người. Luật Sư Tôn Tắc Phương và Lâm Dũng Tụng đã dựa vào luật pháp, phân tích và thách thức chính phủ tiến hành những thay đổi cần thiết để bảo vệ nhân quyền, nhân phẩm của công nhân lao động nước ngoài tại Đài Loan. Cả hai luật sư đều khẳng định, những bằng chứng có được qua lời khai của các nạn nhân, đủ chứng cứ để điều tra theo luật chống Buôn Người. Luật sư Lâm yêu cầu điều tra, khởi tố theo điều 32 của Luật Chống Buôn Bán Con Người . Như vậy các nạn nhân lao động nước ngoài, không còn là nạn nhân của đối xử bất công. Họ chính là nạn nhân của “Nô Lệ Lao Động, Buôn Bán Con Người”. Buổi họp báo đã kết thúc vào lúc 11g sáng cùng ngày. Hầu hết các đài phát thanh đã đưa tin về sự kiện này. Ngày hôm sau báo chí cũng đã đưa tin rất nhiều. Chúng tôi được biết, sau cuộc họp báo, truyền hình và báo chí đưa tin, các chị em lao động nữ tại hệ thống viện dưỡng lão huyện Đài Bắc nêu trên, viết thư cho Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Lao Động Việt Nam nhờ giúp đỡ. Họ cũng đã điện thoại cho đường dây nóng 1955. Chúng tôi đã và đang nổ lực hết sức để giúp đỡ cho các nạn nhân bị “Nô Lệ Lao Động, Buôn Bán Con Người”.